Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nới lỏng điều kiện cấp tín dụng có thể sẽ gia tăng nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu. Vì thế, cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
cac-loai-the-tin-dung-1636614701.jpg
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: "Nới lỏng điều kiện cấp tín dụng có thể sẽ gia tăng nợ xấu"

Đây là nội dụng mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng về đề nghị nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng bằng văn bản.
Thống đốc đã dẫn chứng cho điều này là cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007, bắt nguồn từ việc trong giai đoạn 2003-2005, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn (người vay dưới chuẩn).

Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ, sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, Thống đốc cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

Đánh giá độ trễ của đại dịch COVID-19 tác động tới ngành ngân hàng sẽ kéo dài sang năm 2022, Ngân hàng Nhà nước dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng cuối năm 2021 có thể tăng lên từ 7,1-7,7%, gấp đôi so với cuối năm 2020. Vì vậy, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro của các ngân hàng lại càng trở nên cấp thiết.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng năm nay tăng ngay từ đầu năm và tăng cao hơn so với năm 2020. Đến ngày 29/10/2021, tín dụng tăng 8,72% so với cuối năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua ngân hàng đã tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng; đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. 

Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay.