Thể chế và liên kết trong nông nghiệp

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kỳ 5 khóa XIII diễn ra vào đầu tháng 5/2022 đã dành nhiều thời gian thảo luận về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bài viết dưới đây đề cập đến một số vấn đề liên quan đến thể chế và liên kết trong sản xuất nông nghiệp để cùng trao đổi.

Đặc thù liên quan đến thể chế phát triển và liên kết nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp không phải là một ngành kinh tế thuần túy. Đây là nền kinh tế gắn bó hữu cơ giữa con người với tự nhiên, giữa nhân tố kinh tế với các yếu tố xã hội và đặc biệt là giữa con người với nhau để hình thành những đơn vị sản xuất huyết thống là hộ gia đình trong cộng đồng. Khác biệt này làm cho nông nghiệp tồn tại không đơn thuần là một nền kinh tế, mà còn chứa đựng những yếu tố tự nhiên - xã hội trong sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt. Đã có nhiều học giả từng coi ngành nông nghiệp là nền kinh tế đạo đức hay kinh tế mang tính xã hội và tương trợ.

Trong sản xuất nông nghiệp không phải lúc nào lợi nhuận cũng là mục tiêu hàng đầu, mà điều này lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố xã hội. Lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thường không cao và chứa nhiều rủi ro; đây là nhân tố ảnh hưởng lớn đến các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.

Quá trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp qua nhiều công đoạn gắn với thực thể sinh học cây trồng và vật nuôi là những cơ thể sống. Quá trình sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người làm phải thường xuyên quan tâm với ý thức làm chủ, cao hơn nữa là tình yêu đồng ruộng và cây, con. Đây là những yếu tố phi kinh tế, nhưng lại có vai trò quyết định. Đặc tính này đã ảnh hưởng đến sự phân công lao động và tổ chức sản xuất nông nghiệp. Nó không giống trong công nghiệp và thường khó thoát khỏi hình thức kinh doanh gia đình và liên kết sản xuất, nhất là ở những khâu liên quan trực tiếp đến các quá trình sinh học .

Đặc thù sinh học làm cho quá trình sản xuất nông nghiệp có sự khác biệt cơ bản so với nhiều lĩnh vực khác. Trước hết, đó là quá trình lao động không trùng về mặt thời gian so với sản xuất. Theo trình tự, sản xuất sinh học gắn liên tục với sự phát triển của cây/con, trong khi quá trình lao động lại bị chia cắt, đòi hỏi cơ cấu lao động mang tính mùa vụ; khó chuyên môn hoá, tiêu chuẩn và công đoạn hoá theo cách thức sản xuất công nghiệp.

1-1655732771.jpg
Mùa thu hoạch trong Hợp tác xã nông nghiệp (Ảnh: Internet)

Kinh tế gia đình trong nông nghiệp là sự kết hợp sản xuất với tiêu dùng được hình thành từ những đơn vị xã hội huyết thống. Đặc điểm này làm cho sản xuất vừa mang tính hướng nội lại vừa có tính hướng ngoại Từ đây có thể rút ra, kết cấu lao động, tư liệu sản xuất và đất đai là những đối tượng không đơn thuần về mặt kinh tế hoặc quy trình sản xuất, mà cần được xem xét trong cả quá trình tái sinh liên tục của phương thức sống và cách sản xuất của người làm chủ. Nếu tách riêng biệt từng yếu tố sẽ mất đi nội lực và động lực phát triển bền vững.

Mối quan hệ giữa con người với thực thể sinh học và giữa con người với con người trong sản xuất là điểm khác biệt căn bản của nông nghiệp so với công nghiệp và dịch vụ. Khác biệt này quy định nội dung, hình thức sở hữu và cách tổ chức sản xuất. Theo đó, sản xuất nông nghiệp đã hình thành các hình thức cơ bản là hộ nông dân và những liên kết sản xuất kinh doanh mà phổ biến là hình thức hợp tác xã (HTX).

Trong nông nghiệp, công cụ sản xuất mang tính đặc thù, dù thô sơ hay hiện đại nhưng đều quan trọng và không làm mất đi tính chất sinh học của sản xuất. Công cụ hiện đại trợ giúp cho các quá trình sinh học, làm tăng năng suất lao động và năng suất sinh học, nhưng không làm thay đổi tính chất và quy luật sinh thành của đối tượng cây và con trong sản xuất.  Như vậy, nếu trong công nghiệp vai trò chi phối quyết định là công cụ lao động, thì ở nông nghiệp đối tượng sản xuất lại có vai trò chi phối, quyết định việc ứng dụng tư liệu và công cụ sản xuất. Những đối tượng sinh học thường có quá trình sống liên tục, không bị chia cắt; khó công đoạn hoá trong sản xuất. Đặc tính này đã chi phối sự tồn tại lâu dài của hình thức kinh tế hộ nông dân và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh.

Trong nông nghiệp, ruộng đất là tư liệu sản xuất không gì thay thế được. Nó là đối tượng sản xuất, lại là cái kết hợp giữa lao động con người với các yếu tố tự nhiên và nhân tố khác để nuôi dưỡng cây trồng, vật nuôi. Ruộng đất là địa bàn diễn ra quá trình sản xuất, nhưng lại có đời sống riêng, nếu được nuôi dưỡng chăm bón, bảo tồn tốt thì độ phì nhiêu ngày một tăng lên để trả ơn người. Còn nếu áp đặt một chế độ canh tác bóc lột thì con người sẽ phải trả giá đắt. Chính vì điều này, sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chủ thể sản xuất phải am hiểu toàn bộ nghề nông, kinh tế hộ nông dân và các chủ thể sản xuất kinh doanh phải trở thành những tế bào sinh động chứa đựng cả yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội với tư cách của người làm chủ. 

Diễn biến của quan hệ nông dân với ruộng đất đã quy định tiến trình phát triển nông nghiệp. Quan hệ giữa nông dân với ruộng đất không chỉ đơn thuần mang tính kinh tế, mà còn mang tính chính trị - xã hội và môi trường. Ruộng đất trong nền kinh tế tự cung tự cấp là điều kiện của quan hệ sinh tồn; khi chuyển sang sản xuất nông sản hàng hoá, nó là hàng hóa để thực hiện lợi ích thông qua cơ chế thị trường. Chuyển từ nông nghiệp tự cung tự cấp sang nông nghiệp hàng hoá, quan hệ nông dân và ruộng đất có sự thay đổi về chất. Trao quyền làm chủ ruộng đất cho nông dân, đồng thời mở đường cho ruộng đất tìm đến những người có khả năng sử dụng hiệu quả, chính là tạo tiền đề cho bước chuyển về chất trong quan hệ từ sinh tồn thuần tuý sang kinh tế hàng hóa. Trong điều kiện này, các yếu tố sản xuất sẽ vận động theo hướng thoát ra khỏi trạng thái khép kín để đi vào liên kết, hợp tác, tích tụ nhằm sử dụng với hiệu quả cao hơn.

Hộ nông dân tồn tại với tư cách là một đơn vị sản xuất và tiêu dùng mang tính đặc thù, dẫn đến sự tồn tại khách quan của đơn vị kinh tế hộ. Khi nghiên cứu thực tiễn nông nghiệp nhiều nước Âu, Mỹ, Mác và Ang ghen đã nhận ra, nông trại gia đình không sử dụng lao động làm thuê kiểu tư bản chủ nghĩa và cho rằng “Lịch sử có thể xem xét nghề nông hợp lý, nó đòi hỏi phải có bàn tay của người tiểu nông làm bằng sức lao động của chính mình, hoặc bằng sự kiểm soát của những người sản xuất liên kết với nhau “.

Hộ nông dân - đơn vị kinh tế tự chủ cơ bản trong nền sản xuất nông nghiệp

Cho đến ngày nay, nông nghiệp gia đình được hiểu là đại diện cho hình thức sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lương thực thực phẩm cho toàn xã hội. Theo tổ chức FAO, nông nghiệp gia đình dựa vào nguồn vốn, lao động của gia đình và được điều hành bởi một gia đình. Gia đình và trang trại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; hộ gia đình cung cấp lực lượng lao động và kiểm soát những nguồn lực chính mà trang trại dựa vào để hoạt động.

Thực tiễn phát triển nông nghiệp thế giới cho thấy, trong cấu trúc hệ thống chủ thể sản xuất, dù đạt tới nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, thì đơn vị kinh tế hộ nông dân vẫn là những đơn vị cơ sở có số lượng lớn nhất. Sự phát triển của các loại hình HTX và doanh nghiệp đều dựa trên nền tảng của sự phát triển kinh tế hộ nông dân với đặc điểm cơ bản là dựa vào lao động gia đình, chỉ đi thuê một phần nhỏ lao động.

Khi nghiên cứu về sự phát triển nông nghiệp nước Anh và nhiều nước khác, cả Các Mác và Ăngghen đều đã nhận ra tính đặc thù của nông nghiệp và cho rằng Nông trại gia đình không sử dụng lao động làm thuê đã tỏ rõ sức sống lâu bền và rất hiệu quả. Ngay tại nước Anh siêu công nghiệp, cũng đã từng khẳng định, hình thức lãi nhất không phải là nông trại kinh doanh theo phương thức công nghiệp mà là nông trai gia đình thực sự không dùng lao động làm thuê. 

Trong thực hiện Chính sách kinh tế mới Lênin từng nhận định “Không thể phát triển nông nghiệp theo con đường chủ nghĩa tư bản kiểu Phổ phát triển kém hiệu quả, mà phải là kiểu chủ trại tự do trên mảnh đất tự do” và cho rằng, nông nghiệp không thể phát triển theo cùng kiểu với công nghiệp. 

Do đặc điểm sản xuất, kinh tế hộ nông dân thường mang những đặc điểm chủ yếu dưới đây:

i) Hàm chứa 3 tư cách quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau trên các phương diện kinh tế và phi kinh tế, vật chất và phi vật chất; đó là đơn vị sản xuất, tiêu dùng và là đơn vị xã hội huyết thống; 

ii) Trong quá trình phát triển hộ kinh tế nông dân có phân hóa, phân tầng thành các loại hộ khác nhau. Xét theo trình độ sản xuất hàng hóa có thể phân thành những loại sau đây: 

1. Hộ sản xuất tự cung tự cấp. 

Ở những hộ dạng này đất đai, vốn và nguồn lực về cơ bản không tham gia vào quan hệ thị trường. Với tư cách là đơn vị sản xuất và tiêu dùng không có đối thoại với thị trường; hộ nông dân tự cung tự cấp có cơ sở kinh tế giống nhau, phương thức sản xuất và sản phẩm làm ra như nhau, hầu như không tạo nên các mối quan hệ kinh tế với nhau và với xã hội. Đây chính là điểm trì trệ lớn nhất của nền kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp.

2. Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ.

Loại hộ này làm ra sản phẩm chủ yếu là để tiêu dùng trực tiếp trong gia đình, số lượng đưa ra lưu thông trên thị trường chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong hộ nông dân dạng này, sản xuất lương thực để tồn tại là mục tiêu và là nội dung cơ bản nên ruộng đất ít có cơ sở để trở thành hàng hóa, nông sản làm ra chưa theo quan hệ cung cầu của kinh tế thị trường. Tính phi hiệu quả của nông hộ thể hiện ở ruộng đất không được sử dụng đúng với tính năng và tiềm năng sinh học, đồng thời đó cũng là nguyên nhân sâu xa kìm hãm quá trình phân công lao động xã hội,

3. Hộ sản xuất hàng hóa là chủ yếu

Sản xuất của loại hộ này hướng tới mục tiêu thị trường nhưng vẫn giữ một phần sản phẩm để tiêu dùng trực tiếp như một chiếc van an toàn. Do hướng theo thị trường nên các yếu tố đầu vào và đầu ra đều được tính toán trong sản xuất. Quá trình phát triển này tất yếu sẽ dẫn đến chuyên môn hóa, phân công lao động và khai thác đất đai một cách hiệu quả. Đất đai dần thoát ra khỏi chức năng đảm bảo lương thực sinh tồn để trở thành nguồn vốn phát triển là một nấc thang quan trọng trong quan hệ ruộng đất và kinh tế hộ nông dân. 

4. Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn.

Mục tiêu và đặc trưng kinh tế của loại hộ này là sản xuất theo nhu cầu và thông qua cơ chế thị trường; mọi yếu tố của quá trình sản xuất kinh doanh đều được xem xét trên cơ sở giá trị; sức lao động và đất đai đều trở thành đầu vào trực tiếp và bị chi phối bởi các quy luật của kinh tế thị trường.

Đi vào sản xuất, do điều kiện và năng lực có sự phân hoá cả về trình độ, quy mô và nghề nghiệp (ai giỏi về nghề sẽ làm nghề đó). Đây chính là lý do cơ bản làm cho quan hệ đất đai và các yếu tố sản xuất có sự năng động, hướng tới hiệu quả sử dụng cao để thích ứng với tác động của cơ chế thị trường. Đối với hộ sản xuất hàng hoá, yếu tố đất đai, tư liệu sản xuất, vốn và lao động là những điều kiện quan trọng, song yếu tố quyết định lại là năng lực sản xuất kinh doanh của các chủ hộ nông dân. Sự khác biệt về năng lực sản xuất kinh doanh là một trong những nhân tố cơ bản quyết định mức độ ruộng đất tham gia vào quá trình sản xuất.

Thay lời kết luận

Dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa và phát triển nông sản hàng hóa; quá trình phân hóa, đào thải, phân tầng; chuyên môn hóa diễn ra đa dạng cùng với tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô canh tác của kinh tế hộ nông dân. 

Phát triển, phân tầng, phân hóa hộ nông dân là quá trình tạo cơ sở cho sự ra đời khách quan, đa dạng và đa quy mô của các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Hy vọng quan hệ hộ nông dân và ruộng đất trong giai đoạn phát triển mới sẽ được quan tâm nghiên cứu trong hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững./.

Lê Nguyễn