Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) trồng lúa hữu cơ trên diện tích 130 ha. Tuy chỉ mới thành lập năm 2018, nhưng nhờ hoạt động đúng bản chất Luật Hợp tác xã 2012, làm tốt liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên từ 52 thành viên ban đầu với vốn điều lệ 700 triệu đồng, đến nay hợp tác xã đã có 72 thành viên với tổng vốn điều lệ hơn 2,8 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của thành viên tăng thêm 1,8 triệu đồng/vụ/ha so với trước khi tham gia hợp tác xã.
Khát vọng đưa hạt gạo quê nhà vươn xa sánh tầm khu vực và thế giới, thanh niên trẻ Trầm Minh Thuần, sinh năm 1993, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp chia sẻ, để nâng cao giá trị lúa hàng hóa địa phương, hợp tác xã đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của thành viên. Bắt đầu từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác và thu hoạch đều được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của thị trường. Sau khi sản phẩm đạt chuẩn, Hợp tác xã bắt đầu tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kênh phân phối.
Đến nay, sản phẩm gạo hữu cơ Hạt Ngọc Rồng của hợp tác xã đã có mặt hầu hết trên các sàn thương mại điện tử, các kênh giao dịch online, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, chuỗi cửa hàng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) khắp cả nước. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020. Sản phẩm cũng đạt giải khuyến khích tại cuộc thi "Gạo ngon thương hiệu Việt" của Festival Lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long lần IV năm 2019.
Theo anh Trầm Minh Thuần, từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã được tiếp cận rất nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương để đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng, bảo hộ thương hiệu, xúc tiến thương mại. Cụ thể, hợp tác xã được hỗ trợ 600 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 320 triệu đồng mua máy đóng gói tự động. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi 120 triệu đồng và được hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng bộ thương hiệu... Các chính sách này là "cú hích" giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả như hiện nay.
Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp được thành lập vào cuối năm 2016, hiện có 519 thành viên, với tổng vốn điều lệ hơn 1 tỷ đồng, có tổng diện tích sản xuất 430 ha; trong đó diện tích đất trồng lúa 308 ha, phần diện tích còn lại trồng dừa, màu và nuôi thuỷ sản.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Ban Quản trị Hợp tác xã đã nghiên cứu kỹ Luật Hợp tác xã 2012 để áp dụng vào hoạt động đơn vị; trong đó, luôn đặt lợi ích thành viên lên cao nhất. Mỗi năm hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 2.000-2.500 tấn lúa.
Nhờ làm tốt liên kết từ cung ứng vật tư đầu vào giá thấp cho thành viên đến bao tiêu sản phẩm với giá luôn cao hơn thị trường tại địa phương từ 20-50 đồng/kg lúa thương phẩm, nên thu nhập của thành viên tăng thêm đáng kể. Hàng năm, hợp tác xã đã đem lại thu nhập tăng thêm cho thành viên từ 500-750 triệu đồng.
Thành lập năm 2014, Hợp tác xã Phú Mỹ Châu (huyện Châu thành) cũng là một trong số hợp tác xã tạo được chuỗi giá trị gia tăng cao trong sản xuất. Hơn 6 năm hoạt động, thành viên hợp tác xã đã tăng gấp 4 lần, vốn điều lệ tăng hơn 17 lần, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động địa phương.
Ông Trần Văn Công, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu cho biết, mô hình hợp tác xã kiểu mới mang lại nhiều kết quả tích cực trong sản xuất, giúp liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân và doanh nghiệp được thắt chặt. Hợp tác xã hiện có 47 ha sản xuất lúa giống và 223 ha sản xuất lúa chất lượng cao. Tham gia hợp tác xã, thành viên được hướng dẫn quy trình sản xuất lúa giống hoặc lúa thương phẩm. Cuối vụ, toàn bộ sản phẩm của thành viên hợp tác xã đều được doanh nghiệp bao tiêu.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 175 hợp tác xã và 1 Liên hiệp Hợp tác xã, với tổng vốn điều lệ hơn 172 tỷ đồng, có gần 30.000 thành viên; trong đó, có 131 hợp tác xã nông nghiệp.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh khẳng định, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Hợp tác xã có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Thực tế cho thấy, số hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn còn khá "khiêm tốn". Để phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp, Trà Vinh đang đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông sản theo chuỗi; đồng thời vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung.
Tỉnh cũng khuyến khích hợp tác xã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Thời gian tới, tỉnh sẽ lựa chọn ít nhất 5 hợp tác xã hoặc Liên hiệp hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp tham gia Để án Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Sau đó, tỉnh tổng kết đánh giá mô hình để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh./.