Nông dân thoát nghèo nhờ thành quả từ nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Mil

Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời mở ra hướng đi bền vững cho người dân Đắk Mil (Đắk Nông) gia tăng thu nhập và từng bước thoát nghèo.
nguoi-dan-xa-dak-sak-huyen-dak-mil-dua-may-moc-co-gioi-vao-san-xuat-nong-nghiep-quy-mo-hang-hoa-1746983227.jpg
Người dân xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil) đưa máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa.

Khai thác tiềm năng, gia tăng hiệu quả

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) huyện Đắk Mil, trong những năm qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu đã tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực cho địa phương. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển cả về quy mô lẫn trình độ sản xuất, duy trì mức tăng trưởng ổn định và tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng.

Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương. Huyện chú trọng ứng dụng khoa học – công nghệ, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản. Tỷ lệ sản phẩm qua chế biến tăng dần; thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng trong và ngoài nước. Xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao.

Nông hộ của anh Nguyễn Thế Độ đang ở xã Đắk Gằn đang phát triển mô hình nông nghiệp trên diện tích hơn 14,6 ha, chủ yếu trồng cây ăn trái. Anh hiện sở hữu hơn 7.000 m² nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn bộ khu vực trồng trọt của trang trại hiện được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nông nghiệp bền vững.

nong-ho-ong-nguyen-the-do-o-xa-dak-gan-huyen-dak-mil-co-tren-7000-m2-nha-mang-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-1746982964.jpeg
Nông hộ ông Nguyễn Thế Độ ở xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil) có trên 7.000 m2 nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dưa lưới là một trong những cây trồng chủ lực của trang trại anh Độ, được canh tác trên diện tích hơn 4.000 m² nhà màng, mỗi năm cho thu hoạch ba vụ, với năng suất gần 20 tấn. Nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài dưa lưới, trang trại còn có vườn nho rộng 3.000 m². Vừa mang lại thu nhập ổn định, mô hình trồng nho của anh Độ còn là điểm đến tham quan, học hỏi của nhiều nông dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng phòng NN&MT huyện Đắk Mil: “Điểm nhấn đáng chú ý của địa phương đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản rất đều đặn ổn định. Trung bình là 3,23% mỗi năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết huyện giai đoạn 2020–2025 đã đề ra trước đó”.

vuon-nho-cua-mot-nong-ho-o-xa-dak-gan-huyen-dak-mil-1746983026.jpeg
Vườn nho canh tác theo hướng sinh thái của một nông hộ ở xã Đắk Gằn.

Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng giảm nhưng giá trị tăng. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế của huyện giảm từ 39,78% năm 2020 xuống còn 31,8% vào năm 2025 - một bước chuyển dịch quan trọng. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích từ 86 triệu đồng/ha năm 2020 lên 115 triệu đồng/ha vào năm 2025.

Tính đến năm 2025, toàn huyện Đắk Mil có 19 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao, thuộc 14 chủ thể tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, hai sản phẩm “Sầu riêng Đắk Mil” và “Xoài Đắk Mil” đã được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể; “Cà phê Đắk Mil” được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ.

Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô

Đến nay, huyện Đắk Mil đã được UBND tỉnh công nhận hai vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vùng sản xuất cà phê tại xã Thuận An có quy mô 335ha, với sự tham gia của một hợp tác xã và 186 hộ nông dân. Vùng sản xuất xoài tại xã Đắk Gằn đạt quy mô 343ha, thu hút 254 hộ nông dân tham gia.

Đáng chú ý, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy trình sơ chế, chế biến sâu theo tiêu chuẩn được huyện chú trọng quan tâm đầu tư và bước đầu đạt kết quả tích cực. Mức độ cơ giới hóa trong trồng trọt của nông dân tại địa phương theo đó cũng được nâng lên rõ rệt. 

vung-san-xuat-xoai-udcnc-xa-dak-gan-co-quy-mo-343ha-voi-254-ho-nong-dan-tham-gia-1746983101.jpg
Vùng sản xuất xoài ƯDCNC xã Đắk Gằn có quy mô 343ha với 254 hộ nông dân tham gia.

Theo thống kê, toàn huyện hiện có 25 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng 10.250 hộ gia đình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác như RA, Fair Trade, hữu cơ, 4C, UTZ, FLO. Đắk Mil đã có hơn 11.000 ha đất nông nghiệp đạt chứng nhận, chủ yếu với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm nông sản của huyện Đắk Mil đã được chế biến, bảo quản đạt chuẩn, được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của khu vực nông thôn. Qua đó, từng bước định hình và phát triển các ngành hàng chủ lực, thế mạnh, tiềm năng; nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và dần khẳng định vị thế trên thị trường.

nam-2024-thu-nhap-binh-quan-tren-1ha-dat-canh-tac-co-ung-dung-cong-nghe-cao-cua-nguoi-dan-dak-mil-dat-115-trieu-dong-1746983165.jpeg
Năm 2024, thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác có ứng dụng công nghệ cao của người dân Đắk Mil đạt 115 triệu đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đắk Mil đã xây dựng thành công 1 mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, 1 mã vùng trồng nội địa cho sản phẩm xoài Đắk Gằn và 12 mã vùng trồng sầu riêng khác đang trong quá trình chờ phê duyệt. Tổng quy mô sản xuất các mã vùng trồng kể trên lên đến đến 321 ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Đắk Mil tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Đến nay, khoảng 60% hoạt động chăn nuôi trên địa bàn đã chuyển sang quy mô trang trại, chủ yếu là các trang trại chăn nuôi heo, gà liên kết gia công với các doanh nghiệp như CP, Japfa… 

vung-san-xuat-ca-phe-ung-dung-cong-nghe-cao-xa-thuan-an-huyen-dak-mil-quy-mo-335ha-hien-nay-co-1-htx-va-186-ho-nong-dan-tham-gia-san-xuat-1746983190.jpeg
Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Thuận An (Đắk Mil) quy mô 335ha hiện nay có 1 HTX và 186 hộ nông dân tham gia sản xuất.

Huyện hiện có 38 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 6 công ty, hộ gia đình được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư chăn nuôi heo tập trung, với quy mô lên tới 63.000 con. Các cơ sở này đều đảm bảo yêu cầu về an toàn sinh học và chú trọng bảo vệ môi trường. Tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 đạt 2.124 tỷ đồng, chiếm 11,95% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện - vượt mục tiêu Nghị quyết Huyện ủy đề ra.

Từ nay đến 2030, huyện Đắk Mil tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, tập trung đầu tư thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trọng tâm là xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển cơ sở chế biến. Ngoài ra, huyện sẽ hình thành 10 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm 7 vùng trồng trọt và 3 vùng chăn nuôi tập trung. Giá trị sản xuất từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng một phần công nghệ cao dự kiến chiếm từ 42% đến 47% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện./.

Kiến Giang