Thanh toán số ngày càng thêm thu hút

Thanh toán số hiện nay đã trở thành xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam sau dịch Covid-19. Các phương thức thanh toán mới, hiện đại như thẻ chíp, thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua mã QR, thanh toán qua Internet, điện thoại di động đã mang lại nhiều lợi ích đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, 76% người dùng đã sử dụng ví điện tử, 65% giảm số tiền mang theo người, 32% ngưng hoàn toàn sử dụng tiền mặt. Những con số cho thấy người dùng ít mặn mà với tiền mặt. Thanh toán số ngày càng giàu sức hút.

Khoảng 2 tháng trở lại đây, về cơ bản mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ đã trở lại bình thường. Người dân có thể thoải mái đi lại, mua sắm, du lịch. Nhiều người nghĩ rằng các tiện ích số sẽ không còn nhiều thu hút người dùng. Chẳng hạn như nhiều người sẽ quay trở lại sử dụng tiền mặt, tuy nhiên thực tế không hoàn toàn như vậy. Những con số trên đã cho thấy người dân đã ít mặn mà với tiền giấy hơn.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng trên điện thoại di động (mobile banking).

thanh-toan-khogn-tien-amtj-1655084692.jpeg
Ảnh minh họa

Kết quả đạt được cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm "Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch" ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, Đề án phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

Anh Vân (t/h)