Thành Nhà Hồ qua nét “vẽ” của các nhà khảo cổ học

Những kết quả thu được trong các lần khảo cổ tại Thành Nhà Hồ trong thời gian qua đã minh chứng mạnh mẽ tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đây được xem là mảnh ghép hoàn thiện của tòa thành 600 tuổi.
1-1719653706.jpg
Qua những lần khảo cổ, Thành Nhà Hồ dần hiện lên một cách rõ nét.

Khảo cổ học tại Thành Nhà Hồ trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, cho công chúng hiểu rõ hơn về một kiến trúc tổng thể, về quy hoạch kiến trúc và cách thức xây dựng, bố trí các kiến trúc kinh thành của một triều đại phong kiến quân chủ Việt Nam những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

Con đường Hoàng gia và Đàn tế Nam Giao

Từ những bức tường thành và cổng thành còn tồn tại hiện hữu, khảo cổ học đã phát hiện nhiều kiến trúc quan trọng trong Thành Nhà Hồ như: Điện Hoàng Nguyên (chính điện), Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu, Nền Vua, Hào Thành, đường Hoàng Gia, cấu trúc tường thành, cổng thành... cùng hệ thống di vật, hiện vật vô cùng độc đáo và giá trị.

Quá trình khai quật khảo cổ tại khu vực cửa Nam và trong thành Nội của di sản thế giới Thành Nhà Hồ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một con đường được lát nguyên bằng đá phiến với quy mô rất lớn. Con đường này chạy thẳng vào trục chính của kinh thành Tây Đô. Vào trong thành, khi kết thúc thì chính là nơi bắt đầu bước lên thềm của chính điện - nơi vua thiết triều và quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia.

Ở bên ngoài thành, con đường này kéo dài 2.5km đến tận Đàn tế Nam Giao ở chân núi Đốn Sơn, nơi vua tế lễ trời đất cầu cho quốc thái dân an, đất nước cường thịnh - Đó chính là con đường Hoàng gia (đường Cái hoa) được ghi trong sử sách.

Việc phát lộ con đường Hoàng Gia đã minh chứng cho trí tuệ, sự sáng tạo tuyệt vời của nhà Hồ khi đã sử dụng vật liệu, nhân công một cách khoa học, hợp lý mang đậm bản sắc dân tộc và triều đại. Qua đó, tạo nên những công trình kiến trúc vô tiền khoáng hậu, tồn tại cho đến ngày nay.

2-1719653807.jpg
Một hố Khảo cổ tại Trung tâm Thành Nhà Hồ (ẢnhTrung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp).

Đàn tế Nam Giao Tây Đô là một kiến trúc quan trọng tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ. Khai quật, khảo cổ học đã xác định được cơ bản diện mạo của một đàn tế cổ với nền móng kiến trúc còn tồn tại gần như nguyên vẹn. Các vòng tường đàn và các cấp nền đàn được phát lộ và nằm gọn trong vòng tay ngai của dãy Đốn Sơn - nơi tọa lạc của đàn tế.

Hàng loạt kiến trúc quan trọng và độc đáo riêng có cũng đã được xuất lộ qua khai quật, khảo cổ học như: Giếng Vua, đường Thần Đạo, Viên Đàn, hệ thống nền móng các cấp nền đàn, hệ thống cống thoát nước... cùng nhiều hiện vật độc đáo và giá trị như: Đầu chim phượng mỏ vẹt, Thống đất nung cỡ lớn, gạch ngói trang trí... Những kết quả từ khảo cổ học này đã cung cấp cho chúng ta biết được diện mạo rõ nét của một đàn tế Nam Giao thời cổ xưa trong tiến trình ra đời, tồn tại và phát triển của loại hình kiến trúc độc đáo này.

Chính điện và các Thái Miếu

Qua khai quật, khảo cổ học khu trung tâm của Thành Nhà Hồ đã xác định một kiến trúc trung tâm hoàn chỉnh, bao gồm một tòa chính điện được bố trí 9 gian với kiến trúc cực kỳ hoành tráng thể hiện qua chiều dài và rộng của các bước gian và hệ thống chân tảng và móng cột đặc trưng thời Hồ. Kiến trúc chính điện được xác định có quy mô lớn nhất được khảo cổ học phát hiện cho tới ngày nay.

Hệ thống hiện vật, di vật được phát lộ tại khu vực này đa phần được trang trí hình rồng và hệ thống gạch, ngói lợp, ngói trang trí nhuộm men vàng mang đặc trưng mà chỉ có chính điện nơi Hoàng đế thiết triều mới được phép sử dụng. Các vật liệu kiến trúc nêu trên được phát lộ duy nhất tại khu vực khai quật này mà không thấy ở bất kỳ kiến trúc nào từng khai quật trong nội Thành Nhà Hồ, đã minh chứng rất rõ nét rằng đây là Chính Điện của kinh thành Tây Đô.

Đối với khai quật, khảo cổ học tại bất kể một kinh đô nào trên thế giới thì việc xác định được chính điện chính là phát hiện quan trọng nhất, cho phép xác định các kiến trúc khác xung quanh để tạo cơ sở vững chắc cho công tác bảo tồn và phục dựng kinh đô đó. Chính điện là nơi vua thiết triều cùng quần thần bàn bạc và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.

Về mặt phong thủy, Chính điện là nơi thông thiên giữa trời - đất và con người bởi theo lý thuyết và quan niệm của phương Đông thì Vua được coi là Thiên tử có quyền lực cai trị dân chúng, bách tính, và Chính điện của kinh đô chính là nơi Vua thể hiện quyền lực đó của mình thông qua các quyết sách.

Ngoài ra trong nội thành còn có Đông Thái miếu và Tây Thái miếu. Nơi thờ tự dòng họ nội và ngoại của nhà vua. Với quy chuẩn kiến trúc "Tả tổ - Hữu xã" (bên phải thờ họ nội bên trái là đàn xã tắc) cũng chính là điểm độc đáo riêng có của Thành Nhà Hồ so với kiến trúc của các kinh đô khác trong khu vực và trên thế giới.

3-1719653847.jpg
Một hiện vật quý vừa được phát hiện qua khai quật khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (ẢnhTrung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp).

Tại Đông Thái miếu, theo sử sách là nơi thờ họ Nội của nhà Hồ, kết quả Khảo cổ học đã từng bước xác định vị trí, quy mô và cấu trúc của kiến trúc này. Đông Thái Miếu được bố trí tại một gò đất cao ở phía Đông Nam khu vực nội thành Nhà Hồ. Quy mô được xác định bao gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc trong một tổng thể thống nhất, bao gồm: Tòa chính miếu, hậu điện, khu vực sân vườn, các lớp cổng tam quan và hành lang có mái bao quanh. Các móng cột thời Hồ được xác định tại Đông Thái Miếu có quy mô rất lớn, được đầm nền và gia cố rất chắc chắc thể hiện tính quy chuẩn đặc trưng của kiến trúc thời Hồ.

Điều đặc biệt khi khai quật khu vực này là phát lộ dấu tích kiến trúc thời Lê bên trên kiến trúc thời Hồ với hệ thống móng cột, chân tảng và vật liệu đặc trưng của thời Lê sau này. Điều này đã minh chứng một cách rõ nét rằng Thành Nhà Hồ được các triều đại sau này tiếp tục sử dụng với tư cách là trung tâm hành chính - chính trị của khu vực.

Ở tòa Tây Thái miếu, các nhà Khảo cổ học đã từng bước xác định vị trí, quy mô và cấu trúc của kiến trúc này. Tây Thái Miếu được bố trí tại một gò đất cao ở phía Tây nam khu vực nội thành Nhà Hồ; quy mô được xác định bao gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc trong một tổng thể thống nhất bao gồm: Tòa chính miếu, hậu điện, khu vực sân vườn, các lớp cổng tam quan và hành lang có mái bao quanh. Các móng cột thời Hồ được xác định tại Tây Thái Miếu có quy mô lớn nhưng bé hơn khu Đông Thái Miếu.

Thành Nhà Hồ tồn tại hơn 600 năm, nhưng đến nay xung quanh Thành vẫn nhiều điểm kỳ bí chưa thể giải thích. Thông qua những lần Khảo cổ đã minh chứng mạnh mẽ tính về tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản./.

Hà Khải