Thanh Hóa: Trái ngọt sau 5 năm “dồn đất” phát triển nông nghiệp

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
nha-mang-nha-luoi-1717567329.jpg
Những năm qua, mô hình trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới phát triển mạnh tại huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa và Yên Định.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã tạo bước chuyển biến lớn trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2019 - 2023, tổng diện tích đất đai trên địa bàn tỉnh được tích tụ, tập trung tăng thêm 39.328,1 ha. Trong đó lĩnh vực trồng trọt tăng 17.418,6 ha, chăn nuôi tăng 3.500,1 ha, nuôi trồng thủy sản tăng 1.621,4 ha, lâm nghiệp tăng 16.788,1 ha; có thêm 2.856,1 ha được tích tụ đạt tiêu chuẩn công nghệ cao.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 49.807,5 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân theo tiêu chuẩn công nghệ cao trong trồng trọt đạt 450 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi đạt 550 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản đạt 4.500 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp hàng năm giai đoạn 2019-2023 đều đạt mục tiêu đề ra (trên 3%). Đặc biệt, trong năm 2023 tăng trưởng 4,16%, cao nhất từ trước đến nay. Quy mô tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2023 theo giá thực tế đạt 66.280 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước.

che-binh-son-1717567466.jpg
HTX Chè Bình Sơn, một trong những đơn vị tiên phong trong việc tích tụ đất, phát triển cây chè quy mô lớn.

Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, liên kết để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, chuỗi giá trị được đẩy mạnh. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.328 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có 07 doanh nghiệp thu mua chế biến lúa gạo; 25 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả; 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn; 58 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản; hơn 80 doanh nghiệp tham gia chế biến thủy sản.

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm. Giai đoạn 2019 - 2023, trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 12 giống lúa, 06 giống mía; trồng 10.900 ha ngô biến đổi gen, 6.900 ha lúa sản xuất thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, 5.200 ha rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô; ứng dụng các công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước trong nuôi trồng thủy sản với diện tích 170 ha.

Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích đất đai được tích tụ, tập trung để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn thấp. Trong quá trình tích tụ đất đai, các địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như: hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân còn phổ biến, gây khó khăn trong vận động người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai...

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy các xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên tuyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để chuyển từ sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, không bền vững, hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, đạt năng suất, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Ngoài ra, Sở TN&MT cần khẩn trương tham mưu ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhân dân tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao./.

Hà Khải