Thanh Hóa: Tập trung phát triển nông nghiệp chủ lực tạo sức cạnh tranh

Tập trung phát triển nông nghiệp chủ lực, gắn với tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đổi mới phương thức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
nong-nghiep-chu-luc-11-1708785823.jpg
Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo sức cạch tranh.

Kết nối sản xuất với chế biến

Theo Quyết định số 2961/QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 5/8/2021, toàn tỉnh có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó có 6 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia.

Đây là các sản phẩm dồi dào về số lượng và chất lượng, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã và đang sản xuất theo hướng thâm canh, nâng cao năng xuất, chất lượng gắn với chế biến.

Để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đầu tư phát triển, mở rộng diện tích.

Tại Quyết định số 67/QĐ-UBND về Phê duyệt đề án kết nối sản xuất chế biến và tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 ban hành ngày 4/1/2024 nêu rõ:

Kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; gắn với tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên và các nguồn lực khác.

Tăng cường đa dạng hóa các hình thức kết nối, tạo ra các liên kết phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng nhóm sản phẩm, phát huy tính ưu việt và hiệu quả của các mô hình liên kết để xây dựng các kết nối phát triển một cách bền vững.

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia quá trình liên kết, làm cơ sở thu hút và gắn kết các chủ thể tham gia chuỗi liên kết. Phát triển kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng, quy mô lớn, có hệ thống kho bảo quản và nhà máy sơ chế, chế biến phù hợp với quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập của người sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm.

Nâng cao năng lực của các chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ để mở rộng khả năng kết nối, tạo liên kết bền vững giữa các chủ thể; phát triển mạnh năng lực kinh doanh các các cơ sở chế biến, làm hạt nhân cho các hoạt động kết nối; kết nối để hình thành và phát triển đa dạng các hình thức liên kết theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đảm bảo phù hợp với trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh

Theo kế hoạch, đến năm 2025, sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tổ chức kết nối, tạo liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt từ 20% sản lượng trở lên. Hình thành chuỗi liên kết trong sản phẩm chủ lực đạt 2.000 chuỗi trở lên (trung bình tăng 6%/năm).

nong-nghiep-chu-luc-2-1708785926.png
Ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào trong sản xuất nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, các vùng trọng điểm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất…; gắn với bảo đảm các điều kiện sản xuất theo quy định, nhất là trong công tác bảo vệ môi trường.

Tổ chức kết nối, tạo liên kết các cơ sở sản xuất để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, có giá trị gia tăng cao; đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Hỗ trợ, phát triển diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững (trong đó tập trung vào mặt hàng rau, quả); chú trọng hỗ trợ, phát triển các chứng nhận quốc tế (GlobalGAP, 4C, UTZ, Fairtrate, Halal, Oganic...), ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất, cấp mã số vùng trồng thông qua các chương trình hỗ trợ chứng nhận, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ thông minh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng năng suất lao động, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững; thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất.

Từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động, công nghệ IoT (internet kết nối vạn vật), sử dụng các loại phân bón sinh học, hữu cơ; quản lý sinh vật có hại bằng biện pháp sinh học, thảo mộc, vật lý có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động môi trường; phát triển diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất; các sản phẩm, ngành nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch canh nông; xây dựng các làng nghề, nghề truyền thống gắn với quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gắn với chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu. nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến.

Tập trung phát triển các thị trường xuất khẩu trọng điểm chiến lược, đặc biệt là các thị trường truyền thống, phân khúc cao tại các nước trong khu vực Hiệp định RCEP (Nhật Bản, Hàn Quốc,..), các nước Khối liên minh Châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Thúc đẩy phát triển các thị trường tại Ấn Độ, các nước khối Đông Âu (Nga, Belarus,..), chú trọng thị trường tiềm năng Ấn Độ./.

Hà Khải