Theo thống kê mới đây, tại Thanh Hóa đã mưa lũ khiến 3 người tử vong, gây ngập úng 1.123ha lúa, hơn 2.800ha rau màu, các cây trồng khác. Mưa lũ còn sạt lở một số tuyến đê cấp IV trở xuống cấp II, gây hư hại 4 đập thủy lợi; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở ta-luy, xói lở, tại nhiều vị trí.
Nhằm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống nhân dân, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện số 11 gửi Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Theo công điện, từ ngày 25/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 220 đến 260 mm. Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các tuyến sông, mực nước sông Yên tại Trạm thủy văn Chuối (huyện Nông Cống) đã đạt và vượt mức Báo động II, mực nước sông Bưởi tại Trạm thủy văn Kim Tân (huyện Thạch Thành), mực nước sông Cầu Chày tại Trạm thủy văn Xuân Vinh (huyện Thọ Xuân) đã đạt và vượt mức báo động I; làm ngập úng một số diện tích sản xuất nông nghiệp, khu đô thị; sạt lở một số tuyến đường giao thông, bờ bãi sông và một số thiệt hại khác. Đặc biệt, trên địa bàn các huyện Như Xuân, Quan Sơn, Bá Thước đã có 3 người bị lũ cuốn trôi.
Trong những ngày tới, dự báo có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất vùng núi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, tổ chức sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, hỗ trợ các hộ có nguy cơ thiếu đói. Kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, quản lý chặt chẽ không để người dân đi đánh cá, vớt củi trên các sông, suối khi đang có lũ, có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình, cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Công ty khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình được giao quản lý và phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cấp điện an toàn và liên tục. Lãnh đạo Chi cục thủy lợi tỉnh cho biết, hiện có 48 trạm bơm tiêu đang vận hành tiêu thoát nước.
Tại huyện Thạch Thành, nhằm bảo đảm tài sản và tính mạng cho người dân, Công an huyện thường xuyên tăng cường lực lượng bám cơ sở, đến từng hộ dân phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn giao thông tại các điểm xung yếu. Hiện, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cử cán bộ bám địa bàn, chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân lực, vật tư tại chỗ, cùng nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại huyện Quan Hóa và huyện Mường Lát, mưa lớn gây sạt taluy tỉnh lộ 15 đoạn qua xã Phú Xuân. Mưa lũ, giông lốc đã làm tốc mái, bùn, đất, đá tràn vào phần nền một số nhà dân, hư hỏng mặt một đập tràn, sạt lở 40m3 đất, đá trên tuyến đường Na Tao, xã Pù Nhi, đi bản Chai, xã Mường Chanh. Tuyến đường quốc lộ 16 đoạn cầu Suối Phót đi Sài Khao thuộc xã Mường Lý huyện Mường Lát.
Đồn Biên phòng Pù Nhi cử cán bộ, chiến sĩ trợ giúp hai hộ dân ở bản Cơm sơ tán, khắc phục sạt lở đất xâm thực vào nhà ở. Tiểu đoàn huấn luyện-cơ động của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cử 15 cán bộ, chiến sĩ kịp thời giúp hộ dân ở làng Khung, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước khắc phục sạt lở đất đá.
Ngoài ra, công điện yêu cầu Sở Giao thông vận tải,Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, và Sở Y tế, Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp các địa phương, đơn vị kiểm soát, hướng dẫn giao thông, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn hồ đập, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh.