Thanh Hóa tìm giải pháp để cây dược liệu phát triển tương xứng với tiềm năng

Thanh Hóa là địa phương có địa hình kết hợp giữa đồi núi và đồng bằng, giữa trung du và ven biển, là điều kiện thuận lợi để phát triển vùng dược liệu, tạo kế sinh nhai cho người dân. Tuy nhiên, đến nay tiềm năng ấy vẫn còn “bỏ ngỏ”.
duoc-lieu-1715912898.jpg
Cây dược liệu đa phần sản xuất thô nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Nỗ lực chuyển đổi cây trồng sang dược liệu 

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.000 ha trồng dược liệu ngắn ngày và khoảng hơn 94.000 ha trồng dưới tán rừng với khoảng 1.000 loại cây chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc...

Ngoài ra, một số vùng trung du và đồng bằng như Triệu Sơn, Đông Sơn, Nông Cống cũng bắt đầu xuất hiện các mô hình trồng cây dược liệu thay thế những cây trồng cũ hiệu quả kinh tế không cao. Trong đó, chủ động lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học để xây dựng, phát triển các mô hình trồng dược liệu; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ người dân ưu tiên trồng các loại dược liệu quý hiếm, các giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc.

Để thuận tiện cho việc thu gom, tạo đầu ra cho sản phẩm cũng như mở rộng diện tích trồng dược liệu, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 47 HTX sản xuất, kinh doanh dược liệu. Chủ động thực hiện tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu.

Đặc biệt, ngày 11/12/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4079/QĐ-UBND phê duyệt đề án: “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025”.

Với quan điểm, phát triển mô hình cần chú trọng dựa trên tiềm năng tri thức bản địa của người dân khu vực miền núi, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao; Phát triển các mô hình cây trồng, dược liệu gắn với phát triển du lịch nhằm gia tăng giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm du lịch mới.

Đề án dự kiến phát huy được 33 đối tượng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh; xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên.

Ghi nhận tại một số xã thuộc vùng đệm của khu sinh thái Pù Luông huyện Bá Thước, trước đây bà con chủ yếu trồng sắn và ngô, năng xuất thấp. Người dân được hướng dẫn chuyển đất vườn tạp năng xuất thấp sang trồng cây dược liệu như xạ đen, hoàng ngọc, bạc hà, cà gai leo… Sau một thời gian trồng thử nghiệm, nhận thấy cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng xuất cao nên địa phương đã tích cực chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích vườn dược liệu.

Bà Vi Thị Bình, trú tại xã Thành Lâm, huyện Bá Thước chia sẻ: “Sau khi được chính quyền vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng dược liệu, được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng ngô như trước.”

nghe-1715912990.jpg
Hiện tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 47 HTX dược liệu.

Gặp khó vì diện tích trồng dược liệu manh mún

Hiện nay, cây dược liệu đã và đang được phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiệu quả kinh tế có thể cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Tại huyện Lang Chánh, toàn huyện đã phát triển được khoảng 30 ha với các loại cây dược liệu, như: ngải cứu, bách bộ, kim ngân hoa, đinh lăng...

Hiệu quả, lợi thế là vậy, nhưng trên thực tế hiện nay, phần lớn diện tích trồng cây dược liệu vẫn đang còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị và chưa có nhiều sản phẩm bán ra thị trường. Nhiều mô hình không phát huy được hiệu quả, người dân gặp nhiều khó khăn khi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu.

Hiện nay, tuy các địa phương đã chú trọng trong việc tìm kiếm doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhưng số lượng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; các sản phẩm sơ chế, chế biến từ dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX dược liệu Pù Luông cho biết: “Mặc dù có tiềm năng để phát triển cây dược liệu, HTX cũng đã quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm mới chỉ dừng lại ở sản xuất thô nên hiệu quả đem lại chưa tương xứng. Sắp tới, HTX sẽ đầu tư thêm máy móc, kết nối với các doanh nghiệp lớn để chế biến dược liệu thành sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Để phát triển bền vững cho cây dược liệu, các cấp chính quyền cần chú trọng công tác bảo tồn các nguồn gen dược liệu, duy trì đa dạng sinh học; phát huy tiềm năng, lợi thế để quy hoạch vùng trồng tập trung tại các địa phương, chú trọng trồng những loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định và có thể chủ động được nguồn giống.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ bảo vệ sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, mà còn còn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu, hướng đến xuất khẩu, từ đó làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở khu vực miền núi.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số loại dược liệu mới, có giá trị kinh tế cao để đánh giá sự phù hợp, làm cơ sở để nhân rộng. Các địa phương cần phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng cây dược liệu cho người dân, từ đó, thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Hà Khải