Thái Nguyên xanh từ thành phố tới nhà xưởng

Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế sôi động và đô thị hóa mạnh mẽ, Thái Nguyên cũng tạo những dấu ấn rõ nét trong lộ trình tăng trưởng xanh. Nổi bật là sự vào cuộc của chính quyền và người dân nhằm thực hiện có hiệu quả bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên... thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Thái Nguyên.
1-thanh-pho-thai-nguyen-2-1719359538.JPG
Thành phố Thái Nguyên nỗ lực xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.

Đô thị xanh từ nỗ lực bảo vệ môi trường

Thái Nguyên có 14 đô thị, gồm 1 đô thị loại I; 2 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V. Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đô thị được các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên quan tâm, cơ bản các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường theo loại đô thị III, đô thị từ loại IV đều có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu xử lý khoảng 65% nước thải sinh hoạt phát sinh. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên 42,39%; thành phố Phổ Yên 14,4%; thành phố Sông Công 15,07%; thị trấn Hùng Sơn 36,93%.

Bước đầu tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt trên 85%. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư được quan tâm từng bước triển khai xây dựng gắn với quy hoạch được phê duyệt.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 3 Nhà máy xử lý chất thải có hạng mục lò đốt chất thải. Bao gồm: Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đá Mài xã Tân Cương (TP Thái Nguyên); Khu liên hợp xử lý chất thải của Chi nhánh Công ty TNHH Môi trường Sông Công (TP Sông Công); Công ty Cổ phần Môi trường Thái Nguyên, (TP Phổ Yên); 8 cơ sở tại 7 địa phương có lò đốt rác sinh hoạt mini; 2 cơ sở đã dừng hoạt động.

3-khu-xu-ly-nuoc-thai-tai-kcn-diem-thuy-1719359600.jpg
Khu xử lý nước thải tại KCN Điềm Thụy.

Đến cuối năm 2023 một số khu dân cư, khu đô thị đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, hệ thống tiêu thoát nước mưa theo quy định như: Điểm dân cư nông thôn xóm Duyên, xã Ký Phú, huyện Đại Từ; Khu tái định cư đường Hồ Chí Minh, huyện Định Hóa; Khu tái định cư Nam Sông Công, huyện Đại Từ; Khu tái định cư Hùng Sơn 3, huyện Đại Từ…

Tại thành phố Thái Nguyên công tác Quản lý đô thị, chỉnh trang, duy trì trật tự đô thị đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng  đô thị xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình trọng điểm, mang tính chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đi đôi với đầu tư hạ tầng, công tác chỉnh trang đô thị, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường được thành phố hết sức coi trọng. Tại thành phố Thái Nguyên xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 8.000 - 12.000 m3/ngày với tổng kinh phí 950 tỷ đồng. Thành phố đang tiếp tục đầu tư dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía Nam công suất 12.000-16.000 m3/ngày đêm.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra phương hướng, giải pháp tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đô thị có tầm ảnh hưởng lớn đối với vùng, tỉnh với tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%. Định hướng giai đoạn 2026 - 2030, Thái Nguyên sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng toàn tỉnh theo hướng quy hoạch gắn với việc mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang các đô thị hiện hữu, tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% và đến năm 2035 là 50%...

Hỗ trợ doanh nghiệp xanh hóa sản xuất kinh doanh

Theo các chuyên gia,  công nghiệp “xanh” đang là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới. Đặc biệt, khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, xu hướng phát triển công nghiệp “xanh”  được chú trọng và dần rõ nét hơn. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội và mang nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nền công nghiệp khác.

Cùng với việc các doanh nghiệp chủ động áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển “công nghiệp xanh”. Theo đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng đã phối hợp, đồng hành với các doanh nghiệp đổi mới máy móc công nghệ, giám sát chặt chẽ quy trình xả thải nhằm gắn kết sản xuất với bảo vệ môi trường.

Là doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn huyện Đại Từ, nhiều năm qua Công ty CP Xi măng Quán Triều luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương trong công tác bảo vệ môi trường sản xuất. Để thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh, Công ty đã nỗ lực cải tiến máy móc, thiết bị nhằm khai thác hiệu quả nguyên liệu, giảm thiểu tối đa việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.

2-cong-ty-xi-mang-quan-trieu-1719359690.JPG
Công ty CP Xi măng Quán Triều luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương trong công tác bảo vệ môi trường sản xuất.

Theo ông Đào Trung Dũng – Phó giám đốc cho biết: Hiện nay, Công ty đang triển khai dự án cải tạo từ lọc bụi tĩnh điện sang lọc bụi túi vải. Phương án này sẽ giảm lượng bụi thải trong sản xuất về dưới 30mg/m3 khí thải. Đồng thời, Công ty cũng tiến hành đầu tư hệ thống phun sương dập bụi tại kho bãi nguyên vật liệu để giảm thiểu bụi phát tán vào môi trường.

Cùng theo ông Dũng, Trong quá trình sản xuất Công ty luôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để nắm bắt các quy định, chính sách mới liên quan tới môi trường. Không chỉ tái sử dụng tối đa các vật liệu thải, đối với những chất thải nguy hại, Công ty đều có phương án thu gom và hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành để xử lý chất thải.

“Để kiểm soát ô nhiễm hiệu quả, Công ty triển khai hệ thống quan trắc khí thải, nước thải và kết nối trực tiếp 24/24 giờ trong ngày với Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhờ đó, đảm bảo các chỉ tiêu phát thải ra môi trường được kiểm soát và đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành”, ông Dũng cho biết thêm.

Từ việc triển khai đồng bộ những giải pháp thúc đẩy phát triển “công nghiệp xanh” đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường sinh thái và thúc đẩy công nghiệp của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững.

Theo ông Đặng Văn Huy - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, nhất quán tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ: “Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ địa phương và các doanh nghiệp phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Thái Nguyên đang hướng tới ba mục tiêu là: Xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Đây là lộ trình để Thái Nguyên tăng trưởng bền vững và trở thành nơi đáng sống với môi trường trong lành./.

Trọng Bình