Thái Nguyên: Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều ngày 22/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.
t-1677198505.jpg
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo 9 huyện, thành phố trong tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành các mục tiêu đề ra với 10 xã đạt chuẩn NTM; 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt 01 xã so với kế hoạch); 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, huyện Phú Bình đạt các tiêu chí huyện NTM; 44 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3-4 sao. Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét; liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm qua, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh để rà soát, thống nhất phân bổ vốn thực hiện Chương trình. Cụ thể, tổng nguồn vốn đã phân bổ trong năm 2022 là 287.408 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 249.920 triệu đồng và ngân sách địa phương (gồm ngân sách tỉnh và ngân sách huyện) là 37.488 triệu đồng. Theo đó, một số dự án, tiểu dự án đã đạt được kết quả tích cực như: Đầu tư khởi công mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thực hiện xây dựng 15 công trình nước tập trung tại các xã chưa về đích NTM; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa; xây dựng hồ sơ dự án liên kết với dự kiến 13 chuỗi giá trị...

Trong năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu có 10 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Định Hóa, huyện Đại Từ đạt chuẩn NTM; có từ 20 xóm trở lên đạt xóm NTM kiểu mẫu; trong chương trình OCOP sẽ xây dựng từ 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên… Tỉnh cũng tiếp tục kiến nghị với Trung ương quan tâm hỗ trợ bổ sung nguồn vốn để thực hiện các chương trình, chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hỗ trợ kinh phí để thực hiện các mô hình thí điểm trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM vào năm 2023 theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện cơ chế chính sách; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương; phân cấp, giao quyền cho các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, tích cực phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện Chương trình từ cơ sở; xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình, dự án sau khi đã được đầu tư hỗ trợ.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đóng góp ý kiến để bàn giải pháp hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2023 đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là việc hỗ trợ huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM vào năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần chủ động tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung thuộc lĩnh vực ngành quản lý, đảm bảo tiến độ, chất lượng. UBND các huyện, thành phố cần tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình; phân bổ, sử dụng nguồn vốn đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức theo quy định. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ và tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện…./.

Thanh Thủy