Thái Nguyên: Chăn nuôi hiện đại, liên kết chuỗi

Thái Nguyên hiện có tổng đàn và sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm lớn thứ 2 trong số các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh theo hướng quy mô trang trại, an toàn sinh học. Công nghệ số cũng mang đến bước phát triển mới cho các trại chăn nuôi.
ong-xua-1-1649897153.jpg
Trang trại gà công nghệ của gia đình ông Nguyễn Kim Xưa (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) Thái Nguyên

Năm 2021, ông Nguyễn Kim Xưa (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) đầu tư gần 5 tỷ đồng toàn bộ hệ thống chăn nuôi gà tự động quy mô 4 vạn con. Toàn bộ hệ thống chuồng trại khép kín trong các dãy nhà có lắp máy điều hòa nhiệt độ. Trại luôn giữ nhiệt độ ổn định theo ngày tuổi của gà. Nguồn thức ăn cũng được tự động hóa, chế biến sẵn cho từng tuần tuổi của gà được đưa lên các tháp cao, theo hệ thống dẫn tới tất cả máng ăn theo sự điều khiển của công nhân.

Ông Xưa  cho biết, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với điều kiện của gia đình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Trong chuồng trại có hệ thống phun sương hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh thâm nhập, nền chuồng cao ráo với mức nhiệt độ giữ ổn định 27-30 độ C nhờ hệ thống lò sưởi ấm và máy lạnh, sử dụng các loại men sinh học để bổ sung, tăng sức đề kháng cho gà.

Chuồng trại có gắn camera an ninh, máng ăn tự động nên dễ kiểm soát, điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống cho phù hợp với đàn gà. Ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi rất tiện lợi cho quản lý, chỉ cần qua điện thoại là đã theo dõi được tình hình của đàn gà để điều chỉnh cho phù hợp. Hệ thống tự động hóa cũng giúp gia đình ông giảm số lao động thường xuyên từ hơn 10 người trước đây xuống còn 5 người, chi phí cũng giảm đi nhiều.

Khẳng định ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi không những quản lý hiệu quả, trang trại còn kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ông Xưa cho rằng ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi không chỉ giúp người chăn nuôi nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn có tính bền vững khi ổn định được đầu ra, cũng như giá cả, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Ý tưởng “Chăn nuôi trâu thương phẩm theo chuỗi giá trị” của bà Vũ Thị Hương (xóm Đền, xã Quân Chu, huyện Đại Từ) đã xuất sắc dành giải Nhì cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2021 với chủ đề ”Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên. Mô hình nuôi trâu nuôi nhốt của gia đình bà Hương khép kín, quy mô tổng đàn 50 con, gồm 10 trâu mẹ, 2 trâu đực giống Mura, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Chủ động từ nguồn giống, trồng cỏ chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thịt và sản phẩm giò, thịt sấy … gia đình bà đã sử dụng rất hiệu quả các tiện ích của công nghệ số. Khai thác ý tưởng vào thực tế, bà Hương đã đặt vấn đề liên kết với một số hộ dân trong khu vực cùng đầu tư phát triển mô hình nhằm phát huy được lợi thế của vùng giáp sườn Đông Tam Đảo.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, giúp nông sản của người nông dân khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Áp dụng chuyển đổi số vào phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, phát huy năng lực sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong liên kết sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.

Đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng một số sở, ngành, đơn vị tổ chức Chương trình tọa đàm và tập huấn đồng hành cùng các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Thông qua các nền tảng mạng xã hội và trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, hình ảnh, chất lượng, giá trị các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản đặc sản của Thái Nguyên được quảng bá sâu rộng tới đông đảo người tiêu dùng./.

Ngọc Thưởng