Thái Bình: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Với nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân trong khai thác thế mạnh về sản phẩm đặc sản của địa phương, đến nay huyện Vũ Thư có 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Không chỉ là gắn mác, OCOP thực sự là đòn bẩy, tác động tích cực giúp các sản phẩm đặc sản của huyện khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị, từ đó tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể.
tb1-1666403353.jpg
Sản phẩm xúc xích xông khói Vuong An Food (xã Song An) đạt tiêu chuẩn 4 sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ

Năm 2021, gạo nếp bể làng Keo của HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư được công nhận là sản phẩm OCOP, xếp hạng tiêu chuẩn 3 sao. Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX cho biết: Gạo nếp bể là đặc sản truyền thống từ lâu đời của làng Keo quê tôi, chất lượng gạo dẻo, thơm, khác hẳn gạo nếp thông thường, tuy nhiên trước kia rất ít người biết đến loại gạo này, chỉ con em quê hương mới biết và mua làm quà biếu.

Từ khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, HTX chú trọng quy hoạch vùng sản xuất lúa an toàn vệ sinh thực phẩm và đầu tư máy sấy, máy xay xát để nâng cao chất lượng chế biến, bảo quản sản phẩm; thiết kế mẫu bao bì và đóng gói cẩn thận, có thể truy xuất nguồn gốc, in hạn sử dụng nên sản phẩm mang tính chuyên nghiệp hơn, đẹp hơn. Đặc biệt, khi được công nhận là sản phẩm OCOP, thương hiệu gạo nếp bể làng Keo được đông đảo người tiêu dùng biết đến, sản lượng tiêu thụ cao hơn, giá bán tăng khoảng 10%.

Chị Tạ Thị Nguyệt, người kinh doanh gạo nếp bể, xã Duy Nhất chia sẻ: Là người dân làng Keo, tôi rất vui, tự hào khi gạo nếp bể trở thành sản phẩm OCOP, càng thêm yêu quý và tự tin quảng bá, giới thiệu về đặc sản quê hương. Hiện mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp, có đầy đủ thông tin, cảm nhận của hầu hết người dân và du khách rất hài lòng, thường sử dụng sản phẩm gạo nếp bể làm quà biếu. Với đóng gói nhỏ gọn từ 2 - 5kg/sản phẩm, tôi dễ dàng vận chuyển, tiếp thị gạo nếp bể với các cửa hàng, đại lý, du khách đến chùa Keo...

Anh Vũ Văn Toàn, Giám đốc Công ty cho biết: Để trở thành sản phẩm OCOP đòi hỏi nhiều tiêu chí, không chỉ có chất lượng tốt mà còn phải đạt các yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc rõ ràng, sức cạnh tranh trên thị trường cao... Tuy khó thực hiện nhưng sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể có rất nhiều thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.

Đối với sản phẩm trà ướp sen của Công ty, tôi nhận thấy có sự khác biệt rõ nét nhất là OCOP giống như thước đo, khẳng định về chất lượng sản phẩm và giúp nâng tầm thương hiệu. Chúng tôi rất tự tin và thuận lợi hơn khi tiếp cận, mở rộng các thị trường mới, nhất là phân khúc thị trường khó tính, đòi hỏi cao cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm, do đó tiêu thụ thuận lợi hơn. OCOP cũng là một tiêu chuẩn đáng quý, tạo động lực để chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng, quảng bá, giữ gìn hình ảnh, uy tín để luôn xứng đáng là sản phẩm OCOP.

tb2-1666403404.jpg
Sản phẩm gạo nếp bể làng Keo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm khi được công nhận là sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Qua đánh giá bước đầu, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, hầu hết các chủ thể đều nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc công nghệ phục vụ sản xuất; tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP là yếu tố thuận lợi giúp các chủ thể tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ triển lãm, gian hàng trưng bày sản phẩm.

Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP thường tăng từ 10 - 20% so với trước đây. Các sản phẩm OCOP đều được các chủ thể quan tâm đầu tư về mặt hình thức, mẫu mã, tạo cảm giác sản phẩm trang trọng, lịch sự, giá trị của sản phẩm được nâng lên, giá bán trên thị trường tăng ít nhất 10% trở lên so với trước. Có thể nhận thấy OCOP là đòn bẩy kích cầu hiệu quả góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận của các sản phẩm. Thời gian tới, huyện Vũ Thư tăng cường hỗ trợ, phấn đấu có thêm nhiều sản phẩm tham gia và được công nhận OCOP nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

17 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của huyện Vũ Thư:

- 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm: 10 sản phẩm bánh kẹo của Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng; xúc xích xông khói Vuong An Food (Công ty TNHH Thực phẩm Bảo An T&V, xã Song An); sản phẩm thêu tay truyền thống (Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương, xã Minh Lãng); chả cá (Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Dũng Hạnh, xã Xuân Hòa).

- 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: Tằm thương phẩm (HTXNN Vũ Hồng, xã Hồng Phong); gạo nếp bể làng Keo (HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, xã Duy Nhất); trứng gà (HTX Chăn nuôi xanh Thái Bình, xã Vũ Đoài); trà ướp sen Vũ Toàn (Công ty TNHH Vườn sen Vũ Toàn, xã Xuân Hòa)./.

Lê Hiếu