Thái Bình khẩn trương thu hoạch lúa Mùa trước bão số 8

Các địa phương phải khẩn trương tận dụng tối đa thời gian, nhân lực, phương tiện thu hoạch hết diện tích lúa Mùa trước khi bão Kompasu đổ bộ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
vna-potal-thai-binh-khan-truong-thu-hoach-lua-mua-stand-1634033207.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai chỉ đạo người dân khẩn trương thu hoạch lúa Mùa trước bão số 8. Ảnh: TTXVN

Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận tại cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 12/10 triển khai biện pháp ứng phó với bão Kompasu (bão số 8) với hơn 200 điểm cầu kết nối với sở, ngành, đơn vị và các huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, trên địa bàn có 1.164 tàu, thuyền với 3.423 lao động làm ăn trên biển; 1.246 chòi canh với 1.179 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.276 đầm với trên 2.000 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển. Tất cả đều đã được di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, có 30 phương tiện với 135 lao động của các tỉnh Nam Định, Quảng Ngãi, Hải Phòng và 1 tàu quốc tịch Panama với 23 thuyền viên đang tránh trú tại Đồn Biên phòng Diêm Điền (huyện Thái Thụy).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy cho biết, ảnh hưởng của cơn bão số 7, tỉnh Thái Bình có hơn 9.300 ha diện tích lúa Mùa và hoa màu bị ngã, đổ, dập nát. Đến ngày 11/10, tỉnh đã thu hoạch được 41.220 ha diện tích lúa Mùa, diện tích cây màu hè đã cơ bản thu hoạch trên 9.134 ha diện tích, cây vụ đông đã trồng trên 12.600 ha. Hiện vẫn còn 35.448 ha diện tích lúa Mùa chưa được thu hoạch.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch diện tích lúa Mùa còn lại, bảo vệ diện tích cây vụ đông đã gieo trồng; đồng thời, khẩn trương thực hiện tiêu úng, đóng cống tưới, mở các cống tiêu, tiêu triệt để nước trên mặt ruộng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu tiếp tục thực hiện cấm biển theo Công điện khẩn số 14 ngày 8/10/2021 của Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện…; di dời người dân ở các khu vực xung yếu, chòi canh ngao.

Toàn bộ phần công việc này phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 13/10. Cùng đó, các địa phương chủ động phương án di dời người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ neo đơn sinh sống trong nhà yếu trước khi cơn bão đổ bộ, mục tiêu giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình Phạm Quốc Hưng đánh giá, cơn bão bão số 8 là cơn bão mạnh, có hoàn lưu bão bán kính rộng, kết hợp với không khí lạnh nên rất nguy hiểm. Vùng khơi 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải có thể gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 trong chiều 13/10, nguy hiểm cho các tàu thuyền trong khu vực này.

Dự báo bão số 8 có thể gây lượng mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ 100 đến 150 mm, có nơi lên đến 200 mm ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa Mùa chưa thu hoạch. Nếu bão đổ bộ vào ngày 14/10 khi triều cường đạt đỉnh 3,7 mét (lớn nhất trong tháng), nước dâng, sóng lớn sẽ gây nguy hiểm cho vùng trũng thấp.