
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Nâng cao chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng” vừa tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu
Tại hội thảo các chuyên gia thống nhất nhận định, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của ngành năng lượng toàn cầu, với pin lithium-ion (LIB) đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của xe điện (EV) và hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS).Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố tháng 12/2024, nhu cầu về pin sẽ tiếp tục tăng nhanh dựa trên các chính sách hiện tại, dự kiến tăng gấp 4,5 lần vào năm 2030 và hơn 7 lần vào năm 2035.
Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm niken, coban và đất hiếm. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi cung ứng pin của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu với nhiều thách thức cần vượt qua. Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 20 trong chuỗi cung ứng pin lithium-ion toàn cầu năm 2024.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Đặc biệt, ngành xe điện (EV) của Việt Nam đang trên đà phát triển với mục tiêu đạt 100% xe điện vào năm 2050. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu lớn về pin, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Song theo ông Lê Tuấn Anh: “Năng lực sản xuất các vật liệu quan trọng này còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ còn cần hoàn thiện, và sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nguyên liệu từ nước ngoài cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ và linh hoạt hơn”.

Việt Nam cần triển khai các chiến lược phát triển bền vững
Thời gian tới, để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện toàn cầu, PGS. TS. Đinh Công Hoàng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần triển khai các chiến lược phát triển bền vững.
Cụ thể là đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất pin tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác quốc tế và bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.
PGS. TS. Đinh Công Hoàng nhấn mạnh: “Việc thực hiện đồng bộ các chiến lược này sẽ giúp Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu”./.