UBND thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) vừa tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam.
Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây rỏi mật tại Địa đạo Kỳ Anh (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ).

Theo người dân địa phương, cây rỏi mật gắn bó với người dân lâu đời. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là địa điểm để thực hành phong trào "diệt giặc dốt". Trong kháng chiến chống Mỹ, du kích thường trèo lên quan sát quân địch hành quân để báo hiệu cho quân ta thoát theo các con lạch rồi từ đó xuống địa đạo ẩn nấp. Cây rỏi mật cao vút giữa vùng đầm lầy, cây rừng thấp, nên chịu nhiều bom đạn, pháo của quân địch dù vậy, cây vẫn đứng vững.

Ngày nay, cây rỏi mật và Địa đạo Kỳ Anh là nơi tham quan của nhiều người dân và du khách, để hiểu hơn về một thời kỳ gian lao nhưng vẻ vang của dân tộc…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Trần Trung Hậu cho rằng:"Cây rỏi mật không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, góp phần tạo cảnh quan xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên.
Bên cạnh đó, các hoạt động hưởng ứng Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia – Quảng Nam 2024 hôm nay tiếp tục cho thấy cam kết của lãnh đạo UBND thành phố đối với việc bảo tồn, phục hồi các giá trị của hệ sinh thái tại địa phương, hướng đến xây dựng thành phố Tam Kỳ "xanh, sinh thái, thông minh"./.