Tham dự Hội thảo có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, các Hiệp hội, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp..
Tây Nguyên có tổng diện tích có rừng 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,94%, trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Rừng Tây Nguyên có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là những nhiệm vụ giải pháp đột phá tạo động lực để phát triển bền vững rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thảo luận giải pháp trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, nếu không quản lý, bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả thì chắc chắn không có những nền tảng tốt để hướng tới phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên.
Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng.
Thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; đổi mới phương thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ quy mô lớn; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, thực hiện phục hồi rừng tự nhiên bằng giải pháp phù hợp; đưa kinh tế tuần hoàn trở thành một trong những nội dung cơ bản trong quy hoạch của các tỉnh Tây Nguyên…
Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận xoay quanh các nội dung chủ yếu là chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và định hướng bổ sung, hoàn thiện; khai thác tiềm năng, dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 13 của tỉnh Đắk Nông; Lâm Đồng chuyển đổi kép xanh và công nghệ số ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Định hướng chủ đạo trong phát triển bền vững tại Tây Nguyên; Phát triển nông lâm nghiệp bền vững từ mô hình cà phê vườn hữu cơ theo hệ sinh thái rừng…
Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ngày 6/10/2022 Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 23 đã quan tâm đặc biệt đối với vùng Tây Nguyên, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển kinh tế. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ sản xuất nông lâm nghiệp sang kinh tế nông lâm nghiệp.
Đồng thời, chú trọng bảo vệ phát triển rừng, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, giúp ổn định nâng cao đời sống sinh kế của người dân gắn với rừng. Tạo sự lan toả giúp các tỉnh trong vùng Tây Nguyên phát triển bứt phá tạo nguồn lực tăng trưởng mới để phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững./.