Sự cố chìm con tàu “không thể chìm” để lại nhiều câu chuyện cảm động, đáng cảm phục về hành động và nghĩa cử của nhiều người trong hoặc sau tai nạn mà câu chuyện tôi sắp kể ở đây là một trường hợp có nhiều ý nghĩa.
Ngày 16 tháng 4 năm 1912 Titanic chìm xuống Đại Tây dương. Trong số hơn 1200 người đã bỏ mình theo con tầu định mệnh có chàng thanh niên 27 tuổi. Nhưng chàng thanh niên con nhà giàu, ham học, yêu sách vở đó, nhờ nghĩa cử cao đẹp của người mẹ, một đại gia, đã trở thành bất tử ở Đại học Harvard, đóng góp to lớn vào sự phát triển của giáo dục và nghiên cứu tại một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới nầy.
Trong số gần 80 thư viện lớn nhỏ của Đại học Harvard, Widener Library là thư viện tổng hợp có quy mô lớn nhất. Với 4 tầng hầm và 6 tầng trên mặt đất của tòa nhà đồ sộ, cổ kính, có trên 3 triệu rưỡi cuốn sách về các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, về văn học các nước, văn hóa, văn minh nhân loại.
Thư viện nầy mang tên của một thanh niên tên là Harry Elkins Widener (1885-1912). Theo cách nói thời thượng ở Việt Nam gần đây thì người này là một “thiếu gia” với ý nghĩa là con nhà rất giàu có, với tài sản của gia đình thì hầu như mua được bất cứ thứ gì theo ý muốn. Ông nội và ông ngoại là bạn thân và cùng gây dựng cơ nghiệp trong những thập niên cuối thế kỷ XIX ở tiểu bang Pennsylvania.
Trong giai đọan phát triển vượt bậc mà các nhà phân tích gọi là thời đại hòang kim của kinh tế Mỹ, hai người bạn đã liên tiếp thành công trong các dự án đầu tư vào những ngành chủ đạo thời ấy như đường sắt, thép, dầu hỏa, v.v... Riêng ông nội của Harry vào đầu thế kỷ 20 đã để lại một tài sản tính theo giá trị bây giờ lên tới một tỉ ruỡi đô la.
Nhưng Harry từ nhỏ sống rất mẫu mực, rất chăm học, nhất là đọc sách. Tiền bạc cha mẹ cho dồn hết vào việc mua sách. Thú vui lớn nhất của Harry là thu tập sách, nhất là sách hiếm. Cha mẹ, ông bà, bà con cũng chiều theo ý muốn của Harry nên quà sinh nhật hay quà Giáng Sinh đều tìm mua những bộ sách quý làm quà cho.
Năm 1903 Harry thi đỗ vào Đại học Harvard, theo học các ngành lịch sử, triết học và nghệ thuật. Từ đó anh càng mê sách hơn, vừa học vừa bỏ công sưu tầm sách và tranh, giao lưu thân mật với hầu hết các nhà sách, các công ty nhập khẩu sách ở New York và Philadelphia. Sau khi tốt nghiệp (năm 1907), Harry vẫn tiếp tục dành thì giờ đọc và sưu tập sách. Lúc mới 25 tuổi đã nổi tiếng là người thu tập sách với số lượng đồ sộ và đa dạng.
Ngày 10/4/1912, tại cảng Southampton (Anh Quốc), Harry Widener lên tàu Titanic cùng với cha, mẹ và người giúp việc. Hình như gia đình Widener đi chơi London, theo yêu cầu của Harry để anh tìm mua một số bộ sách, và lên con tầu định mệnh nầy để trở về New York. Tối 14/4, Titanic gặp nạn. Theo báo Boston Daily Globe ra buổi chiều ngày 16/4/1912, tờ báo được bày trong Phòng kỷ niệm Harry Elkins Widener ở thư viện, chỉ có 868 người sống sót, và 1232 người đã chìm sâu xuống lòng Đại Tây dương trong đó có Harry và cha anh. Phụ nữ được ưu tiên lên thuyền cứu hộ nên mẹ Harry và nguời giúp việc được cứu sống.
Mẹ Harry, bà Eleanor Elkins Widener, trong nỗi đau mất chồng, mất con, bà suy nghĩ về khối sách, tranh ảnh, tư liệu đồ sộ của Harry và tìm cách chuyển kho tàng này thành tài sản chung của xã hội. Bà nảy ra ý tưởng tặng khối sách và tư liệu cho Đại học Harvard và kèm theo một số tiền lớn đủ để nhà trường xây dựng một thư viện hiện đại.
Khởi công xây dựng năm 1913, đến năm 1915, The Harry Elkins Widener Memorial Library, tên chính thức của Thư viện Widener, ra đời. Gần 100 năm phát triển theo Đại học Harvard, thư viện Widener là nơi tri thức của nhân lọai được chuyển đến nhiều thế hệ trẻ để sau đó họ trở thành những người tài, những nhà lãnh đạo nắm giữ trọng trách trong nhiều lãnh vực không phải chỉ ở Mỹ mà tại rất nhiều nước khác.
Phòng kỷ niệm Harry Widener được đặt ở khu trong cùng của tầng thứ nhất của Thư viện Widener. Trên bức tuờng chính diện là di ảnh được họa to của người thanh niên tuổi trên dưới 25. Vào phòng này có lẽ ai cũng thấy có một cảm giác hơi lạ. Thông thường, những ảnh, những tượng được trưng bày hoặc xây dựng ở những thư viện hay những tòa nhà có một bề dày lịch sử nhất định, thường là những ảnh, những tượng của những người có tuổi 50-60 trở lên, độ tuổi cần thiết để họ lập được những công trình mà người sau ghi nhớ. Harry Widerner có lẽ là một ngoại lệ khá hiếm.
Thư viện Widerner là một truờng hợp cho thấy những người giàu có trong xã hội đã biết dùng tài sản đóng góp tích cực vào việc xây dựng đại học, góp phần phát triển đất nước. Trường hợp như người mẹ của thanh niên Harry Widener thật ra ta có thể thấy rất nhiều trong những đại học danh tiếng ở Mỹ, ở Nhật và nhiều nước khác./.