Để giữ vị thế cường quốc xuất khẩu hồ tiêu, Việt Nam cần chủ động sản xuất xanh nâng tầm giá trị

Năm 2024, Việt Nam vẫn khẳng định vị thế xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với 250.600 tấn hồ tiêu các loại. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt với những thách thức từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó là các thách thức về môi trường (giảm phát thải carbon), khuyến khích mô hình canh tác hồ tiêu bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững…
ho-tieu-viet-nam-3-1737213370.jpg
Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 220.269 tấn, tiêu trắng đạt 30.331 tấn.(Ảnh minh họa)

Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 220.269 tấn, tiêu trắng đạt 30.331 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ; tiêu đen đóng góp 1,12 tỉ đô la, tiêu trắng đạt 200 triệu đô la.

So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng cao là nhờ giá xuất khẩu tăng vọt. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 đô la Mỹ/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 đô la/tấn, tăng 38,9% so với năm trước.

Năm 2025, sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm nay.

Do các tác động của của biến đổi khí hậu trong năm 2024 phần nào ảnh hưởng đến việc sản xuất hồ tiêu của người nông dân. Tuy nhiên, một số khu vực các tỉnh lại ghi nhận diễn biến tình hình thời tiết thuận lợi.

Tại Đắk Nông, thủ phủ của hồ tiêu Việt Nam, sản lượng được ghi nhận tương đương năm ngoái. Sản xuất tại một số khu vực tại các tỉnh trọng điểm còn lại như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chiều hướng tích cực khi giá hồ tiêu tăng nên người nông dân mạnh dạn đầu tư chăm sóc, phục hồi vườn tiêu hiện có.

Trong khi đó tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn thứ 2, được đánh giá là giảm khi người dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng và không có nhiều hiện tượng trồng mới. Dự kiến phải qua Tết Nguyên Đán nông dân mới bắt đầu thu hoạch Hồ tiêu và kéo dài đến hết tháng 4/2025.

ho-tieu-viet-nam-4-1737213339.jpg
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2022.(Ảnh minh họa)

Giá nội địa trong 3 tháng cuối năm 2024 không có nhiều biến động và duy trì ở mức bình quân 140.000 - 150.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu năm, giá nội địa tiêu đen tăng 75,6% và tiêu trắng tăng 68,8%, tương tự giá xuất khẩu cũng tăng 30,7% đối với tiêu đen và 28,6% đối với tiêu trắng.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2022. Điều này phản ánh thực trạng cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê và cọ dầu gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất và gia tăng chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu.

VPSA cho biết năm vừa qua (2024), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,32 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt gần 1,18 tỷ USD, tiêu trắng đạt 200,6 triệu USD. So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.

Chuyển hướng canh tác hồ tiêu bền vững nâng cao chất lượng

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu của nước ta hiện nay là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó là các thách thức về môi trường (giảm phát thải carbon), khuyến khích mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững…

Hơn thế nữa, ngành xuất khẩu chủ lực này hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế: Sản xuất còn nhỏ lẻ; thiếu kết nối giữa doanh nghiệp - nông dân, nông dân - nhà chế biến; hạn chế về vai trò trung gian cầu nối giữa khối tư - khối công, giữa nhà nước - doanh nghiệp; công tác nghiên cứu về thị trường chưa hiệu quả…

Để vượt qua thách thức nêu trên, tạo môi trường bền vững cho xuất khẩu hồ tiêu, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Từ sự hỗ trợ về tiếp cận thông tin thị trường, quy định của nước nhập khẩu đến nguồn vốn, công nghệ.

Đáng chú ý, các chuyên gia cũng nhận định, dư địa để phát triển và khai thác, xuất khẩu hồ tiêu vẫn còn rất lớn với những lợi thế tự nhiên cùng lợi thế thị trường (khi một loạt FTA đi vào thực thi, nhóm hàng cây gia vị có lợi thế so sánh khá cao).

Do đó, về lâu dài, theo các chuyên gia, nước ta nên tập trung cho bài toán liên kết để tạo vùng nguyên liệu, thay thế và loại bỏ dần những diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Thông qua đó, sản phẩm Việt sẽ nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường xuất khẩu lớn

Hiện nay Hoa Kỳ là thị trường đang nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam lớn nhất trong năm 2024, đạt 72.311 tấn, chiếm 28,9% và tăng 33,2% so với năm 2023, đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 21% so với năm kỷ lục trước đó là 2021 đạt 59.778 tấn.

Tiếp theo là các thị trường: UAE đạt 16.391 tấn, tăng 35,1% chiếm 6,5%; Đức đạt 14.580 tấn, tăng 58,2% chiếm 5,8%; Hà Lan đạt 10.745 tấn, tăng 35,2% chiếm 4,3%; Ấn Độ đạt 10.617 tấn, giảm 17,1%, chiếm 4,2%.

Nhập khẩu của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 6 đạt 10.549 tấn, giảm 82,4% và chiếm 4,2% thị phần.

Nhận định về thị trường xuất khẩu, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho hay, năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đến 82,4% nhưng tăng nhập khẩu từ Indonesia 76,8%. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu tăng này vẫn chưa đủ đáp ứng tổng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc.

ho-tieu-viet-nam-2-1737213447.jpg
Theo VPSA, với giá hồ tiêu cao hiện nay, sẽ sẽ khuyến khích nông dân tăng cường nỗ lực canh tác, giúp nâng cao năng suất trên mỗi ha trong những năm tới. (Ảnh minh họa)

Giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.

Việt Nam và Brazil vẫn giữ vững vị trí là hai quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trong năm 2024. Tuy nhiên, Indonesia đã nổi lên như một nhà cung cấp đáng kể, nhất là khi Việt Nam và Brazil gặp tình trạng mất mùa năm vừa qua.

Trong năm 2025, dự báo sản lượng của Brazil sẽ phục hồi, trong khi Indonesia có thể giảm sản lượng do những khó khăn trong đầu tư và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ấn Độ, một quốc gia tiêu thụ lớn, cũng dự báo giảm sản lượng do ảnh hưởng từ mưa lũ, dẫn đến việc nông dân hạn chế đầu tư và thanh lý hàng tồn kho khi giá nội địa giảm.

Theo VPSA, với giá hồ tiêu cao hiện nay, sẽ sẽ khuyến khích nông dân tăng cường nỗ lực canh tác, giúp nâng cao năng suất trên mỗi ha trong những năm tới. Tuy nhiên, các khu vực trồng mới sẽ cần thời gian để cho ra sản phẩm, do đó các quốc gia sản xuất như Việt Nam khó có thể phục hồi đáng kể trong thời gian ngắn. Dù vậy, những tín hiệu ban đầu cho vụ mùa năm 2025 tại Việt Nam khá tích cực, với tiềm năng đạt năng suất cao nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Qua đó, kỳ vọng vừa được mùa, vừa được giá.

Hướng tới năm 2025, VPSA cho hay ngành hạt tiêu và gia vị sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

VPSA khuyến khích nông dân và doanh nghiệp ngành hàng tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu./.

Bình Châu