Tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất và khuyến cáo người dân bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và lễ hội Xuân, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã lập 5 đoàn kiểm tra cấp trung ương tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố. Các địa phương cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn công tác liên ngành và theo chức năng được phân công, phân cấp để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản.
an-toan-thuc-pham-dip-tet-2-1737249969.jpg
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Lập 5 đoàn kiểm tra cấp trung ương tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm

Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng, đây là những yếu tố thời tiết ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và lễ hội Xuân, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã lập 5 đoàn kiểm tra cấp trung ương tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó lưu ý xử phạt nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Riêng tại thành phố Hà Nội, một số hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đã bị tăng tiền phạt gấp đôi từ ngày 1/1/2025, theo quy định tại Luật Thủ đô 2024 và Nghị quyết số 49/2024 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trên phạm vi cả nước, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%).

an-toan-thuc-pham-dip-tet-1-1737250017.jpg
Cần đẩy mạnh phổ biến, công khai, cập nhật thông tin để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Cùng với việc lập 5 đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ đời sống của nhân dân trong Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân; nhằm mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo đó, đối với người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo lưu ý: Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Đồng thời không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; bên cạnh đó, người tiêu dùng lưu ý không chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.

Không lạm dụng rượu, bia để Tết Ất Tỵ trọn niềm vui; không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm đã bị dập nát, hỏng.

Người tiêu dùng lưu ý không chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng; không lạm dụng rượu, bia; không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm dại, nấm đã bị dập nát, hỏng. Ban Chỉ đạo cũng lưu ý người tiêu dùng cần khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định.

Tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết

Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dịp Tết Nguyên đán là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm động vật tăng cao. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường lấy mẫu, giám sát để đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về vấn đề này.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại và hậu quả của việc sử dụng chất cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất ban đầu, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản và thuỷ sản.

Cùng với đó, phổ biến, công khai, cập nhật thông tin để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm; tăng cường thông tin, truyền thông về nguy cơ an toàn thực phẩm. Khuyến khích, vận động người dân tham gia giám sát bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từ cơ sở; xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh, tố giác hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm từ cấp cơ sở.

an-toan-thuc-pham-dip-tet-3-1737249957.jpg
Các địa phương chỉ đạo các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn công tác liên ngành nhằm tăng cường kiểm tra giám sát. (Ảnh minh họa)

Vai trò của các địa phương trong vấn đề này cũng rất quan trọng. Các địa phương chỉ đạo các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn công tác liên ngành và theo chức năng được phân công, phân cấp để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông sản có nguy cơ cao, gây mất an toàn thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp lễ, tết của người dân. Các vi phạm về an toàn thực phẩm phát hiện phải được xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật…

Theo các chuyên gia, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc tuân thủ, thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo ngành thú y thực hiện các giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, bùng phát. Bộ cũng phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm./.

Bình Châu