Trong bối cảnh đầu tư thế giới đều suy giảm, Việt Nam lại "ngược dòng" trong thu hút vốn đầu tư FDI. Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 01 bậc so với năm 2023.
Có được kết quả này là do môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tiếp tục được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin, tâm lý cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương nhấn mạnh, nước ta đã và đang thu hút được những luồng vốn FDI một cách có chất lượng: "Nghị quyết 50 về Chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn mới, chúng ta đặt mục tiêu không chỉ thu về số lượng và hướng đến FDI chất lượng từ các công ty đa quốc gia nằm trong top 500, từ những nước phát triển. Chúng ta chỉ làm được việc đấy khi kiên định mục tiêu của mình và đặt mục tiêu phát triển ổn định và phát triển bền vững lên cao".
Năm vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đầu tư vào Việt Nam thêm gần 14 tỷ USD, tăng trên 50% so với trước. Điều này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư và giải ngân bền vững hơn của dòng vốn này vào nền kinh tế Việt Nam. Mới đây, Nghị định số 182 về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư vừa ban hành có những chính sách thu hút dòng vốn công nghệ cao được dự báo sẽ thúc đẩy vốn FDI vào Việt Nam hơn nữa.
Nhờ vậy, tổng vốn FDI năm 2024 ước tính giải ngân trên 25 tỷ USD, cao nhất trong 6 năm qua, cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các con số này đã cho thấy dòng vốn ngoại ngày càng triển khai nhanh đi vào thực chất của nền kinh tế.
“Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ, Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị, sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Các điều kiện cơ bản như đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực đã có rất nhiều đổi mới trong năm 2024, nhất là nguồn nhân lực có sự đào tạo 50.000 kỹ sư, người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và chip bán dẫn. Khi tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, rõ ràng Việt Nam đã cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại, sẽ là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.
Theo các chuyên gia nước ngoài, khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam nhờ 3 yếu tố chính, sự ổn định của môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thứ hai là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, pháp lý và cuối cùng là vị trí chiến lược trong thương mại toàn cầu.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, có được những bước tiến này là những kết quả xứng đáng, phản ánh đúng sự cố gắng, nỗ lực của Việt Nam trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kêu gọi và xúc tiến đầu tư trong thời gian qua. Tuy nhiên nếu muốn thu hút FDI mạnh hơn nữa, cần nhất là giải quyết vấn đề tiêu chí trong thu hút FDI bền vững, xây dựng công nghiệp xanh.
Tuy nhiên, thu hút FDI toàn cầu năm 2025 còn nhiều thách thức, đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
"FDI hiện nay chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp dưới dạng đầu tư công nghiệp sinh thái, tôi thấy cũng bắt đầu manh nha. Tuy nhiên thì họ cũng đang thiếu các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam. Một vấn đề nữa là quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng- bây giờ cũng yêu cầu là phải công trình xanh. Vừa rồi Luật Nhà ở cũng đã ban hành các tiêu chí liên quan đến công trình xanh" - ông Lực cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, để đón đầu các dự án FDI thế hệ mới, các khu công nghiệp cần chú trọng phát triển môi trường xanh, quan tâm đến ESG, giảm phát thải carbon… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là việc phát triển khu công nghiệp xanh, hạ tầng xanh không chỉ là yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh./.