Tăng trưởng xanh giúp người dân Văn Hán nâng cao thu nhập

Là xã "vùng sâu vùng xa" của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), những năm qua, Văn Hán đã phát huy lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhờ tập trung vào phát triển rừng bền vững và trồng chè hữu cơ. Đây là những giải pháp trong lộ trình tăng trưởng xanh tạo thu nhập bền vững ở địa phương.
1-che-van-han-1719536787.jpg
Xã Văn Hán có diện tích chè lớn nhất của huyện Đồng Hỷ với gần 1.000 ha.

Ngát xanh đồi chè Văn Hán

Chia sẻ về những lợi thế trong phát triển nông nghiệp ở Văn Hán, ông Nguyễn Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã cho biết: Là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất huyện và dân số đông với khoảng 11.800 nhân khẩu, trong đó bà con dân tộc Nùng chiếm 38%. Văn Hán có những thuận lợi nhờ diện tích bằng phẳng chủ yếu là đồi thấp. Đồng thời, được thiên nhiên ưu ái với khí hậu trong lành, Văn Hán có chất đất rất phù hợp với cây chè.

Nhờ đó, Văn Hán xác định cây chè là chủ lực và tập trung thúc đẩy sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng. Hiện xã có diện tích chè lớn nhất của huyện Đồng Hỷ với gần 1.000 ha, 90% người dân xã Văn Hán có nguồn thu nhập từ cây chè. Theo thống kê, 1ha chè sẽ mang về khoảng 250 triệu đồng/năm.

che-van-han-1-1719537046.jpg
Chị Dương Thị Chang chia sẻ về nỗ lực tạo ra những sản phẩm chè hữu cơ chất lượng cao. (Ảnh Trọng Đạt)

Để phát triển kinh tế từ cây chè, xã Văn Hán đã vận động người dân tận dụng những diện tích đất đồi, đất bãi bỏ trống để trồng chè; đưa các giống chè lai có năng suất cao vào trồng. UBND xã cũng phối hợp mở các lớp tập huấn cho người dân về trồng chè an toàn, VietGAP.

Qua đó không chỉ sản lượng chè búp tươi của địa phương tăng gấp nhiều lần so với những năm về trước, mà chất lượng sản phẩm chè cũng được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện rõ nhất khi từ năm 2020 đến nay, xã đã có 8 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và 4 sao.

Là người gắn bó với cây chè từ bé, sau khi lập gia đình chị Dương Thị Chang tiếp quản công việc trồng và chế biến chè của gia đình. Để nâng tầm cho sản phẩm chè, chị Chang đã đứng ra vận động HTX chè Văn Hán (xóm Ba Quà) vào năm 2019. Ban đầu với 8 thành viên chủ yếu là phụ nữ, tới nay HTX đã có thêm 30 hộ dân liên kết, vùng nguyên liệu được mở rộng lên 24ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 6ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Năm 2021, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm “Chè tôm nõn Văn Hán” đạt OCOP 4 sao. Hiện nay, HTX có 8 dòng sản phẩm, trung bình mỗi tháng, cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn chè khô, với giá từ 200 đến 500 nghìn đồng/kg.

che-van-han-2-1719537101.jpg
Những sản phẩm chè của HTX chè Văn Hán được chứng nhận sản phẩm OCOP. (Ảnh Trọng Đạt)

Tiên phong trồng rừng FSC

Dấu ấn xanh ở Văn Hán còn được thể hiện trong lĩnh vực trồng rừng. Toàn xã có hơn 4.000 ha rừng, đến cuối năm 2023 đã có hơn 1.300ha rừng được cấp Giấy chứng nhận FSC và trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận này.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã Văn Hán, được sự hỗ trợ của doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo địa phương, Văn Hán đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động. Doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ keo FSC từ 6 năm tuổi trở lên cao hơn giá thị trường 05% đến 10% và các nhóm chủ rừng được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, không mất bất kỳ chi phí nào liên quan tới quá trình đánh giá, đăng ký FSC.

"Từ chỗ phải vất vả vận động, tới nay, người dân đã chủ động gia nhập vào các nhóm trồng rừng FSC", ông Hiền tự hào cho biết.

trong-rung-van-han-1-1719537218.jpg
Xã Văn Hán có hơn 4.000 ha rừng, đến cuối năm 2023 đã có hơn 1.300ha rừng được cấp Giấy chứng nhận FSC.

Từ nỗ lực đi tiên phong trong trồng rừng bền vững ở Văn Hán đã góp phần đưa Đồng Hỷ trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh có diện tích rừng FSC. Những sản phẩm gỗ được khai thác từ các khu rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có “giấy thông hành” vươn ra thị trường thế giới, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân./.

Trọng Bình