Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP.HCM, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại thành phố dù không quá cao trong nửa đầu năm, nhưng phù hợp với mức tăng chung của cả nước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt khoảng trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Hiện, dư nợ trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 30% tổng dư nợ. Đáng chú ý, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với lãi suất thấp, đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.
Đây là các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng, có lãi suất thấp dưới 5,5%/năm (hiện nay là 4%/năm) hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, lãi suất cho vay ngoại tệ thấp, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt khoảng 177.000 tỉ đồng. Các khoản vay ngoại tệ có điều kiện là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Cho vay thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với các gói tín dụng ưu đãi cũng đã giải ngân được 283.000 tỷ đồng, đạt 60% quy mô đăng ký. Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,5% cho tất cả các khách hàng…
Theo ông Lệnh, đặt trong mối liên hệ tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm phù hợp với diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế Thành phố và những khó khăn từ các thị trường, từ sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và thị trường bất động sản có tác động trực tiếp.
Ông Lệnh cho hay, trong thời gian tới, các vấn đề như chất lượng tăng trưởng, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, mở rộng và tăng trưởng hoạt động dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản lý, quản trị... tiếp tục là những vấn đề cần được quan tâm.
Để thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, cũng như thể hiện trách nhiệm cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trưởng phù hợp quy mô, bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết giảm chi phí hoạt động vừa đảm bảo duy trì kết quả kinh doanh vừa hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu, nhất là trong bối cảnh phát sinh khó khăn như hiện nay, các tổ chức tín dụng cần quan tâm thực hiện tốt.
Ngoài yêu cầu về đáp ứng và xử lý các vấn đề cần quan tâm ở phần trên, trong 6 tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng và ngành Ngân hàng cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước theo Chỉ thị 01 và các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tốt, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ ngành, mà còn tác động tích cực đối với chính sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững của chính các tổ chức tín dụng và của ngành Ngân hàng.
Tính đến 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.