Theo đó, huyện tiếp tục duy trì vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 1.800 ha; mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện là 465 ha (vải sớm 375 ha, ổi 53,5 ha, bưởi 25 ha, vú sữa 5 ha, nhãn 6,5 ha). Duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu tại xã Phúc Hòa diện tích 25 ha.
Năm 2022 tổng diện tích cây ăn quả của huyện là 3.513 ha gồm các loại cây: Vải 1.340 ha, nhãn 395 ha, bưởi 641 ha, vú sữa 82 ha, ổi 283 ha,... trong đó 3.150 ha cây ăn quả cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 32.065 tấn (gồm sản lượng vải đạt 16.500 tấn, đạt 103,1% kế hoạch, bằng 101,2% so cùng kỳ, giá trị đạt khoảng 460 tỷ đồng); tổng diện tích được lập hồ sơ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong năm là 707,487/1.273 ha (đạt 55,6% kế hoạch), trong đó chuyển đổi từ trồng lúa sang cây lâu năm là 692,487 ha; chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 15 ha.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kiểm tra, giám sát mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm phục vụ cho công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu cho nông dân như tiếp tục thực hiện 72 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng và mô hình tưới nước tự động trên cây ăn quả; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet-GAP, GlobalGAP vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mô hình sản xuất dưa lưới, dưa lê, dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao từ 400-500 triệu đồng/ha/vụ/năm. Qua đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng tăng cao, thu nhập của người nông dân được cải thiện đáng kể./.