Tận dụng các nguồn vật liệu xây dựng thay thế cát, sỏi tự nhiên

Việc khai thác quá mức lượng cát, sỏi lòng sông đang làm gia tăng nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đời sống người dân và hệ sinh thái thủy sinh. Thực trạng trên đòi hỏi các địa phương cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng thay thế nguồn tài nguyên khoáng sản này.

Theo số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3; công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng. Do đó, tình trạng thiếu cát xây dựng tại một số thời điểm và một số nơi đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Thông tin từ Tổng cục Phòng, Chống Thiên tai (NN&PTNT) cho biết, từ năm 2018 - 2020, hoạt động khai thác cát tính riêng ở các nhánh sông của ĐBSCL đã đạt 17,77 triệu tấn/năm - lớn hơn rất nhiều so với khối lượng 6,18 triệu tấn cát bồi đắp hằng năm. Chính những hoạt động thiếu bền vững này là nguyên nhân làm sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải.

vat-lieu1-1653624629.jpg
Khai thác cát quá mức tại nhiều địa phương đang làm gia tăng nghiêm trọng tình trạng sạt lở bờ sông

Bên cạnh đó, việc khai thác cát quá mức làm mất cân bằng bùn cát, hạ thấp đáy và thay đổi dòng chảy... Khối lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại chỉ còn từ 25-35% so với những năm 1990 và từ 50-60% so với những năm gần đây. Các chuyên gia dự báo, trong tương lai, lượng phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chỉ còn dưới 10%.

Việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè. Nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3 m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10 m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8 m.

Nhằm hạn chế những tác động tới điều kiện tự nhiên môi trường cũng như hoạt động sản xuất và sinh hoạt, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên là giải pháp đem lại nhiều hiệu quả, trong đó vật liệu cát nghiền được đánh giá cao.

Theo các chuyên gia tại Vụ Vật liệu Xây dựng, nước ta có nguồn tài nguyên đá xây dựng với trữ lượng lớn hàng vài chục tỉ m3, đồng thời với nguồn tài nguyên cát, sỏi sạn vùng biển Ðông hàng trăm tỉ m3 hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu thay thế nguồn cát sỏi lòng sông.

vat-lieu2-1653624647.jpg
Dây chuyền sản xuất cát nghiền phục vụ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đang được triển khai tại nhiều địa phương

Hiện nay nhiều doanh nghiệp tại các địa phương đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Đồng thời, cung cấp cho các địa phương khác không có nguồn đá để sản xuất cát nghiền. Nhiều dây chuyền sản xuất cát nghiền hiện nay được đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất thuộc loại tiên tiến, mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao, quy mô công suất khoảng từ 100.000 – 500.000 m3/năm.

Việc sản xuất cát nhân tạo phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ cho ngành xây dựng, giúp hạn chế tình trạng khai thác chui (cát tặc) xảy ra như hiện nay ở các sông, suối, gây ra vấn đề sạt lở, ô nhiễm, mất an ninh trật tự trị an…

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần phải tiếp tục khắc phục một số nguyên nhân để tăng cường sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thay thế cát, sỏi tự nhiên. Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức đối với cát nghiền, vật liệu thay thế cát tự nhiên; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu ứng dụng rộng rãi công nghệ sản xuất cát nhân tạo, vật liệu thay thế để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất để có điều kiện sử dụng rộng rãi trong thực tiễn./.