Văn chương của nhân loại đưa ra biết bao điển hình sinh động của thói xấu ấy dẫn đến những tội ác làm kinh động lòng người. J.S. Mill nhận xét rằng tính ghen tỵ ở phương Đông là ghê gớm nhất, một người có đứa con kháu khỉnh dễ thương cũng có thể là lí do để thành đối tượng bị hàng xóm ghen ghét.
Tính ghen tỵ tuy có thể có xuất xứ từ bản năng con người, nhưng biểu hiện xã hội của nó có mức độ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm văn hóa của cộng đồng. Một cộng đồng có nhiều người có tâm thế tích cực với khát vọng được làm những cái mới mẻ vì lợi ích của bản thân hay của người khác thì cơ may xuất hiện người tài trong cộng đồng ấy là rất cao, tính ghen tỵ trong cộng đồng ấy cũng rất thấp.
Ngược lại, một cộng đồng mà đam mê cai trị người khác mạnh hơn nhiều so với ham muốn có độc lập cá nhân để làm những công việc sáng tạo, thì đó chính là một cộng đồng săn tìm địa vị theo cách gọi của J.S. Mill. Một cá nhân trung bình trong cộng đồng này sẽ ưu tiên lựa chọn cơ hội, dù có xa vời và khó xảy ra đến đâu đi nữa, được chia phần đôi chút về quyền lực để áp đặt lên đồng bào của mình, hơn là lựa chọn sự tự do để được làm công việc mình yêu thích. Ở một cộng đồng như thế chỉ có sự bình đẳng là được quan tâm chứ không phải sự tự do. Trong cộng đồng săn tìm địa vị, tính ghen tỵ thường thể hiện ra ở mức độ cao.
Trong tiến trình lịch sử của mọi dân tộc đều diễn ra sự phân tầng xã hội, kẻ giàu và người nghèo, kẻ nắm quyền uy và người bị cai trị. Xung đột xã hội luôn luôn xảy ra. Các bậc hiền triết của nhân loại thuộc mọi thời đại đều bận tâm tìm kiếm một hình thức chính thể tối ưu để giảm thiểu thấp nhất các xung đột xã hội mà vẫn tạo cơ hội cho người tài xuất hiện đặng thúc đẩy xã hội phát triển. Nhiều học thuyết khác nhau xuất hiện với các biện giải vô cùng phức tạp. Học thuyết nào càng gây chú ý nhiều thì càng có nhiều cách biện giải khác nhau được đưa ra. Rất khó để nắm bắt được thực chất của các cách biện giải khác nhau ấy và chẳng có mấy người dám nói là nắm được vấn đề này.
Khi các nhà cách mạng muốn dựa vào học thuyết nào đó để đập tan cấu trúc xã hội cũ nhằm xây dựng một cấu trúc mới, họ buộc phải quy giản học thuyết thành những khẩu hiệu chính trị để hướng dẫn quần chúng hành động. Trong những thời buổi như vậy luôn xuất hiện một đám người cơ hội không có khả năng trí tuệ cao để lĩnh hội một học thuyết phức tạp, nhưng đủ khả năng để diễn đạt lưu loát các khẩu hiệu một cách hời hợt. Họ khá đông đúc để hợp thành một lớp trí thức nửa mùa tạo ra nhiều thành kiến xã hội. Đối với những người này, công bằng xã hội có nghĩa là cào bằng mức sống của mọi người, cướp của người giàu chia cho người nghèo là chính nghĩa.
Trong các cao trào cách mạng đã xuất hiện những đòi hỏi “công bằng” khá lý thú. Sau khi Cách mạng Pháp (1789) xảy ra, một cô hầu đã nói với bà chủ của mình rằng nay thì cô ấy sẽ ngồi trên xe, còn bà chủ sẽ đánh xe cho cô ta. Trong một tiểu thuyết đương đại Trung Quốc có tình tiết một cố nông “tố khổ” con trai địa chủ có ba vợ, trong khi anh ta không có vợ nào. Những đòi hỏi ấy đều có nguồn gốc từ lòng ghen tỵ với câu hỏi: “Tại sao lại là những người ấy chứ không phải là tôi?”.
Một xã hội văn minh đòi hỏi tinh thần hợp tác trong các hoạt động chuyên biệt khác nhau nhằm mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Mỗi hoạt động chuyên biệt đòi hỏi khả năng đặc thù ở những người thực hành. Ai cũng biết rằng mỗi con người là một thế giới không ai giống ai, mỗi người có một khả năng riêng và xã hội văn minh hướng tới việc tạo điều kiện cho mỗi cá nhân thể hiện hết khả năng của mình trong những hoạt động hữu ích cho xã hội.
Trong cộng đồng săn tìm địa vị, lý tưởng này rất khó thực hiện vì cái đích của mỗi cá nhân là săn tìm địa vị cao để có quyền lực khống chế người khác chứ không phải mong muốn được làm công việc hợp với khả năng của mình. Người ta xem việc tạo điều kiện cho người có tài phát triển khả năng là không công bằng. Ở nước ta thời kỳ trước năm 1986, việc du học nước ngoài hoàn toàn do Nhà nước cấp học bổng theo thỏa thuận với nước bạn, người đi học được coi như người nhận nhiệm vụ công tác. Thế nhưng trên thực tế, việc đi học nước ngoài lại được ngầm hiểu như một phúc lợi cần phải phân chia “công bằng”. Đã có quy định gia đình nào có một con đi du học rồi thì người con thứ hai sẽ không được du học.
Thời đó có hai cán bộ nghiên cứu trẻ, tốt nghiệp đại học nước ngoài từ hai nước khác nhau theo hai chuyên môn khác nhau, cùng về công tác tại một viện nghiên cứu. Họ kết hôn với nhau được ít lâu thì cả hai đều có cơ hội đi tu nghiệp sau đại học tại nước họ đã tốt nghiệp trước đây. Thủ trưởng cơ quan trả lời họ rằng vì họ là vợ chồng nên không thể cùng lúc cho cả hai đi tu nghiệp được, bởi quần chúng trong cơ quan sẽ dị nghị là “không công bằng”. Hai người này đã hỏi lại rằng nếu ngay bây giờ họ li dị nhau thì có thể cùng được đi học hay không? Tưởng rằng đó là chuyện của thời bao cấp đã qua, vì bây giờ đã có nhiều loại hình du học, trong đó có du học tự túc. Vậy mà mới đây (tháng 12-2009) lại thấy có dự thảo quy chế quản lý du học sinh quy định: sau khi tốt nghiệp, du học sinh chỉ được ở lại làm việc tại nước sở tại ba năm mà thôi.
Nền giáo dục của xã hội văn minh vốn nhằm hướng dẫn thanh thiếu niên để họ nhận thức được những trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, khơi gợi những khả năng riêng biệt của từng người để họ tự khám phá bản ngã của mình trong cuộc sống thiên lương. Trong cộng đồng săn tìm địa vị, nền giáo dục bị biến dạng đi, trở thành công cụ cho việc săn tìm địa vị. Tính công bằng được diễn giải theo nghĩa cào bằng dẫn đến việc phá hủy mọi chuẩn mực bằng cấp để cho mọi người đều có thể hưởng danh hiệu tiến sĩ, ai ai cũng có cơ hội trở thành giáo sư.
Mặc dù ai cũng hiểu danh hiệu giáo sư, tiến sĩ là dành cho một số ít tài năng, nhưng lòng ghen tỵ khiến người ta không cam tâm thấy con cái mình không ở trong số ít ấy. Tỷ lệ đỗ gần trăm phần trăm phổ biến khắp nơi không phải do “bệnh thành tích”, mà chỉ là việc làm để thỏa mãn lòng ghen tỵ của đám đông. Mấy chục năm trước đây khi học đại học ở Liên Xô, tôi vẫn còn được dạy câu thơ sau của nhà thơ Majakovski: “Kẻ nào không cùng chúng ta ca hát, kẻ đó chống lại chúng ta”. Câu thơ liên quan đến sự kiện danh ca Nga Shaljapin bỏ ra nước ngoài định cư sau Cách mạng tháng Mười năm 1917. Không khí bất khoan dung với người có ý kiến khác tạo điều kiện cho những kẻ ghen tỵ có nhiều cơ hội thanh trừng các đối tượng của mình, bao gồm những tài năng văn hóa đáng trân trọng.
Ngày nay người ta hay nhắc đến câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhưng đã có thời chẳng có ai muốn nhớ đến câu này vì hình như nó có mùi vị đề cao vai trò cá nhân. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, gần như tất cả các tiểu thuyết viết về giới trí thức và khoa học (số lượng tiểu thuyết này cũng ít thôi) đều có kịch bản đại khái như sau: trong viện nghiên cứu có nhân vật A có bằng cấp cao, giỏi lý thuyết mà ít kinh nghiệm thực tế. Nhân vật A này tự cao tự đại, nhưng đi vào thực tế thì vô tích sự. Sau đó xuất hiện nhân vật B không được đào tạo bài bản về chuyên môn, nhưng có đạo đức cách mạng cao và nhiều kinh nghiệm thực tế. Nhân vật B dám nghĩ dám làm và sau nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn do nhân vật A gây ra thì nhân vật B đã thành công rực rỡ. Tất nhiên cũng có vài ba mối tình tay ba tay tư gì đó làm gia vị. Điều đáng nói là kịch bản như thế chẳng có nguyên mẫu nào trong đời thực (vì lúc đó chúng ta còn chưa có viện nghiên cứu thực sự nào) mà chỉ thể hiện một thái độ không thiện cảm đối với người có bằng cấp cao. Suy xét thì thấy nó cũng có gốc gác từ lòng ghen tỵ.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc đã chỉ ra sự yếu kém về lý thuyết ở các danh nhân văn hóa Việt Nam. Thế nhưng thật lạ lùng là tâm thế của xã hội lại thích miệt thị lý thuyết như một thứ hoàn toàn vô dụng. Phải chăng đó là tâm thế thực dụng kiểu “thằng Bờm”?
Lòng ghen tỵ là một trong nhiều bẩm tính thấp hèn của con người. Nguyên khởi đối lập với nó là cảm xúc xấu hổ của con người trước những cái thấp hèn mà anh ta phát hiện thấy trong bản thân. Từ cái cơ sở nguyên khởi ấy, con người mài dũa tâm hồn mình tinh tế hơn để hình thành lương tâm. Đó là một phần của học thuyết về đạo đức do triết gia Nga V.Soloviev (1853-1900) xây dựng. Theo ông, cái năng lực phản ứng ấy biến con người thành sinh linh có đạo đức nhưng nếu năng lực ấy không được xác định trong sức mạnh và quy mô hiện thực của nó thì tự nó không thể xác lập cơ sở đạo đức cho xã hội. Ông nói rằng: “Những tình cảm cơ bản xẩu hổ, thương mến và tôn kính bao quát toàn bộ lĩnh vực những quan hệ đạo đức có thể có của con người và cái thấp hơn nó, cái ngang bằng nó và cái cao hơn nó”.
Như vậy, hiện tượng lòng ghen tỵ hiện diện phổ biến trong xã hội là chỉ dấu cho thấy đạo đức xã hội đang thiếu lành mạnh. Nhiều người cho rằng hội chứng “đứt dây thần kinh xấu hổ” đang khá phổ biến, chính là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức xã hội. Chúng ta có thể làm gì? Phải chăng cần xử lý tính ghen tỵ thật nghiêm khắc với mức phạt hành chính đủ để răn đe? Phải chăng cần đưa việc chống ghen tỵ vào nội dung của tiết học về đạo đức trong nhà trường và tăng thời lượng của môn học đạo đức lên? Tôi đang phát biểu những điều vô nghĩa, nhưng nghe lại rất quen tai. Chẳng phải mỗi khi có hiện tượng xã hội nào đó không lành mạnh là ta lại được nghe những kiến nghị tương tự như thế hay sao?
Đọc đến đây chắc nhiều người sẽ phản ứng lại rằng: “Thế thì tác giả có đề nghị gì hay hơn chăng, xin hãy cho chúng tôi biết”. Tôi xin nói ngay rằng tôi cũng không có lời giải đáp nào, tôi chỉ tin rằng vấn đề không thể giải quyết bằng sự cưỡng chế theo kiểu cách như vậy. Nhìn vào kinh nghiệm lịch sử của các nền văn minh, ta thấy đạo đức xã hội luôn dựa trên nền tảng một tôn giáo (như Kitô giáo trong văn minh phương Tây) hay một học thuyết (như Khổng giáo trong văn minh Trung Hoa) và trông cậy vào một tầng lớp xã hội đặc biệt chuyên tâm phục vụ cho tôn giáo (Giáo hội Kitô của phương Tây trong quá khứ) hay học thuyết (các nho sĩ Trung Hoa trước đây).
Những tôn giáo hay học thuyết ấy là nguồn gốc của tập quán đạo đức, các giáo sĩ phương Tây hay nho sĩ Trung Hoa đã truyền cảm hứng để mọi người làm theo tập quán đạo đức. Thời hiện đại bây giờ các hình thức ấy đã không còn nguyên vẹn nữa, nơi thì chúng bị xói mòn quyền lực tinh thần, nơi thì chỉ còn lại một đống hoang tàn. Có những nguyên nhân lịch sử cho kết cục như thế và kết cục ấy cũng không phải là không hợp lý. Nhưng chúng ta phải dựa vào nền tảng nào và kỳ vọng vào tầng lớp nào để xây dựng được một tập quán đạo đức xã hội mới cho tương lai? Câu hỏi “làm gì?” không thể tách rời với câu hỏi “ai làm?”./.