Sức hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam kỳ vọng có thêm nhiều dự án chất lượng cao

Từ những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) Việt Nam đã trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Trong xu thế kinh tế mở càng tạo đà để các doanh nghiệp lớn trên thế giới tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án chất lượng cao tại Việt Nam trong năm 2024.
thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-02-1704157436.jpg
Năm 2023, Việt Nam có 3.188 dự án FDI được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 20,19 tỷ USD, tăng 56,6% so với năm trước về số dự án và tăng 62,2% về số vốn đăng ký.

FDI tạo con số tăng trưởng ngoạn mục

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Theo cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 3.188 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 20,19 tỷ USD, tăng 56,6% so với năm trước về số dự án và tăng 62,2% về số vốn đăng ký.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,85 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa đạt 2,09 tỷ USD, chiếm 10,4%; các ngành còn lại đạt 2,24 tỷ USD, chiếm 11,12%.

Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3,77 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 3,54 tỷ USD, chiếm 17,6%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 3,41 tỷ USD, chiếm 16,9%; Nhật Bản 2,86 tỷ USD, chiếm 14,2%; Đài Loan (Trung Quốc) 2,25 tỷ USD, chiếm 11,1%; Hàn Quốc 1,84 tỷ USD, chiếm 9,1%;

Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.262 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,88 tỷ USD, giảm 22,1% so với năm trước.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-03-1704157482.jpg
Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 21,97 tỷ USD, chiếm 78,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa đạt 2,27 tỷ USD, chiếm 8,1%; các ngành còn lại đạt 3,8 tỷ USD, chiếm 13,6%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.451 lượt với tổng giá trị góp vốn 8,54 tỷ USD, tăng 65,7% so với năm trước. Trong đó, có 1.349 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 4,05 tỷ USD và 2.102 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,49 tỷ USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,16 tỷ USD, chiếm 36,9% giá trị góp vốn; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,55 tỷ USD, chiếm 18,1%; ngành còn lại 3,84 tỷ USD, chiếm 44,9%.

Sẵng sàng đón làn sóng đầu tư mới

Năm 2023, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Những yếu tố quan trọng tạo nên cơ hội trong thu hút FDT vào Việt Nam chính là sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.

Với một nền kinh tế có độ mở rất cao, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các DN lớn trên thế giới.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-04-1704157515.jpg
Để nắm bắt cơ hội thu hút FDI chất lượng cao, đòi hỏi các Bộ, ngành địa phương cần xúc tiến đầu tư có trọng điểm.

Giới chuyên gia dự đoán khi bước vào năm 2024 Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định mình là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong khu vực cho chiến lược “Trung Quốc +1”. Hơn nữa, dòng vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất có sự đột phá trong năm 2023 tiếp tục mang lại hy vọng cho Việt Nam nhìn thấy sự phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ quay đầu.

Trong nhận định mới đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng tốc. Tương lai gần, Nhật Bản sẽ là điểm sáng của nguồn vốn FDI, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là chuyển đổi số và phát triển xanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, với ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn từ Âu, Mỹ.

Chuyên gia phân tích của DSC nhấn mạnh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài chính là “mỏ neo” lớn nhất, bền vững nhất cho sự phục hồi không ngừng của nguồn vốn FDI, nhất là trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu.

Không những vậy, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những rào cản pháp lý; các hoạt động quảng bá, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc gia đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả trong việc thu hút dòng vốn ngoại

Theo giới chuyên gia, từ năm 2024, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các lợi thế thay thế càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI. Nhất là các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố thực sự giúp họ phát triển thuận lợi, nhất là lao động và chuỗi cung ứng trong nước.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, tuy nhiên để nắm bắt cơ hội thu hút FDI chất lượng cao, đòi hỏi các Bộ, ngành địa phương cần xúc tiến đầu tư có trọng điểm. Trong đó ưu tiên tiếp xúc với các DN có công nghệ mới, hiện đại, thân thiện môi trườn và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời phải khắc phục các rào cản để khơi thông làn sóng đầu tư đó.

Bởi vậy, trong năm 2024, điều quan trọng là Việt Nam cần nhìn ra các xu hướng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn nước ngoài sau đại dịch Covid-19 để từ đó nắm bắt cơ hội, còn nếu bỏ lỡ thì các nhà đầu sẽ chuyển hướng sang những thị trường khác.

Ngoài ra, sau khi Việt Nam và Mỹ ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, theo Ts. Burkhard Schrage (Đại học RMIT), đây là động lực mới cho đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong năm 2024. Mỹ là đối tác phù hợp khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2050 thông qua việc thay thế các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp bằng các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao./.

Trọng Bình