Thời gian qua, các nội dung thảo luận liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp tại Việt Nam. Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận.
Theo quy tắc này, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu Euro trở lên (tương đương 870 triệu USD) sẽ bị áp dụng mức thuế bổ sung với công ty mẹ nếu thuế suất áp dụng trên lợi nhuận của các công ty con ở nước ngoài thấp hơn 15%.
Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.
Hiện tại, Chính phủ các nước đầu tư và nhận đầu tư đều đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Nhiều nước sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những nước “nhập khẩu” vốn, nên điều này đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong vấn đề duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, cần có những chiến lược cụ thể hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, cần phải giải quyết các nhóm chính sách: “Nhóm vấn đề thứ nhất là Việt Nam sẽ cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam như thế nào để nó thích ứng tương ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng vẫn tiếp tục tạo một môi trường thu hút đầu tư mang tính cạnh tranh trong khu vực. Thứ hai là các doanh nghiệp mà đang được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng thuộc diện mà phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần phải có giải pháp nào để áp dụng quy định này hay không"
"Nếu mà phải áp dụng thì Việt Nam nên thu thuế bổ sung hay để cho nước mà có nhà đầu tư thu khoản thuế này. Trường hợp Việt Nam thu thuế bổ sung, chỉ cần có áp dụng các biện pháp hỗ trợ gì để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư phù hợp với cam kết quốc tế, tránh khiếu kiện các cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư. Đây là điểm mà chúng tôi rất quan tâm”, bà Ngọc cho hay.
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thuế tối thiểu toàn cầu ở góc độ rộng hơn, không chỉ tác động đối với các doanh nghiệp các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn tác động đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ đầu tư ra nước ngoài.
Do vậy Bộ KH&ĐT mong muốn lắng nghe ý kiến của các công ty luật, công ty tư vấn về đối tượng, thời gian áp dụng từng trụ cột trong 2 trụ cột của Cơ chế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, khả năng áp dụng các điều kiện hạn chế hoặc ngoại lệ, nguyên tắc không hồi tố đối với chính sách ưu đãi đầu tư mà các nước đã cam kết áp dụng cho nhà đầu tư, cũng như các biện pháp đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đề xuất các biện pháp ưu đãi hỗ trợ đầu tư thay thế. Đồng thời cách thức thực hiện và sửa các Luật liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu cũng phải được tính đến về dài hạn./.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được một số quốc gia (Vương quốc Anh, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia…) áp dụng từ năm 2024.
Theo Bộ KH&ĐT, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam là cấp bách, thể hiện trên 02 khía cạnh: (i) đảm bảo quyền đánh thuế tại Việt Nam; (ii) khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành. Hiện nay, các Bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp của Việt Nam nhằm: (I) hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư; (II) đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định; (III) khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam; (IV) tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới./.