Sử dụng điện mặt trời nơi nóc nhà của miền Tây bừng sáng, cuộc sống sung túc mỗi ngày

Vùng núi Cấm (thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được mệnh danh là nóc nhà của miền Tây đang khởi sắc từng ngày, cuộc sống no đủ. Vốn là khu rừng cằn cỗi, cuộc sống nghèo khó, núi Cấm đã đổi thay nhờ ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp.
dien-mat-troi-03-1706340732.jpg
Gần 100% bà con nhân dân vùng núi Cấm đã tiếp cận sử điện năng lượng mặt trời vào sinh hoạt và sản xuất.

Vùng đất nghèo bừng sáng nhờ điện mặt trời

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết núi Cấm nằm ở độ cao hơn 700m, có 3 ấp là Vồ Đầu, Vồ Bà, Thiên Tuế với 754 hộ, 2.735 nhân khẩu.

Mặc dù hơn 1 năm nay, điện lưới Quốc gia đã về tới từng ấp, nhưng do dân cư sống thưa thớt nên nhiều hộ dân vẫn chưa thể sử dụng điện lưới quốc gia, bù lại, gần 100% bà con nhân dân nơi đây đã tiếp cận sử điện năng lượng mặt trời vào sinh hoạt và sản xuất từ hơn 10 năm về trước. Điều này không chỉ giúp người nông dân có điện sinh hoạt mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, từ đó góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Anh Nguyễn Hữu Hạnh (45 tuổi), một trong những người lắp đặt và sử dụng điện mặt trời đầu tiên ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo. Anh Hạnh cho biết hơn 1 năm nay, ấp Vồ Bà mới có điện lưới Quốc gia, nhưng phần lớn bà con vẫn dùng điện mặt trời, vì nhà ở xa lưới điện, chi phí kéo điện cao. Những gia đình có điện lưới Quốc gia thì vẫn dùng song song với điện mặt trời.

Gần 10 năm trước, từ nguồn hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) anh đã mạnh dạn đối ứng vốn để lắp pin năng lượng mặt trời cho ở căn nhà dưới chân núi và vườn quýt hồng ở trên núi.

Vừa bật hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời để tưới cho vườn quýt hồng, anh Hạnh cho hay, dùng điện mặt trời an toàn lại bảo vệ môi trường; không bơm máy gây tiếng ồn nên tiết kiệm hơn. “Hồi chưa có điện mặt trời, tôi phải chạy máy dầu để thắp sáng, bơm nước, mỗi ngày 7 lít dầu. Giờ không chạy máy nữa, tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Tôi sử dụng tấm pin này đã 10 năm và vẫn hoạt động bình thường,” anh Hạnh vui vẻ nói.

dien-mat-troi-02-1706340769.jpg
Anh Nguyễn Hữu Hạnh tưới nước cho vườn quýt hồng trên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang bằng hệ thống máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời.

Giờ đây cả 3 ấp ở trên núi Cấm đều sử dụng điện mặt trời. Anh Hạnh kể ngày trước người dân trên núi Cấm rất nghèo, nhưng nay nhờ có điện mặt trời để bà con phát triển kinh tế vườn đồi nên nên đời sống người dân ổn định, trẻ em được đi học đầy đủ…

Ông Nguyễn Văn Mừng cũng là một trong những người tiên phong lắp đặt tấm pin mặt trời trên núi Cấm. Từ ngày có điện mặt trời, vườn tiêu rộng 8.000m2 của ông Mừng như được “thay da đổi thịt.”

Hiện nay, nhà ông Mừng có 4 tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi ngày tích dược hơn 500W cùng một hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời. “Lúc chưa có điện mặt trời, mỗi tuần gia đình tôi mất hơn 300.000 đồng tiền dầu để bơm nước tưới cho vườn tiêu; rồi đưa máy bơm đến vườn cũng tốn công, máy dễ hỏng hóc. Từ ngày có điện mặt trời, việc tưới nước cho vườn tiêu luôn chủ động, không tốn thêm chi phí. Đã sử dụng hơn 10 năm, nhưng tấm pin năng lượng mặt trời đến nay vẫn dùng rất tốt,” ông Mừng chia sẻ.

Nhờ có điện mặt trời, vườn tiêu của gia đình ông Mừng được tưới nước đầy đủ nên năm nào cũng sai quả, chất lượng tiêu cũng đẹp và cao hơn, bán rất được giá. Vụ tiêu năm ngoái, ông Mừng thu hoạch được gần 500kg, bán với giá từ 150.000-250.000 đồng tùy loại tiêu đen hay tiêu chín nhưng không đủ đáp ứng cho du khách.

Hỗ trợ điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp

Mô hình năng lượng mặt trời áp dụng trong sản xuất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Mừng và anh Nguyễn Hữu Hạnh, ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là 2 trong số hơn 500 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ lắp đặt 4 hầm khí sinh học bằng vật liệu composite tại huyện Chợ Mới từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Đồng thời, thực hiện hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 150 hộ dân được trang bị đèn xách tay năng lượng mặt trời và 98 hộ dân được lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời (bộ công suất 200Wp) từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) nhằm tăng cường khuyến khích, thúc đẩy người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững.

An Giang cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn điện từ mặt trời do nằm trong vùng có cường độ bức xạ từ 4,5-5,1 kWh/m2/ngày, số giờ năng trong năm trên 2.400 giờ, có nhiều ao, hồ lớn nhỏ, vùng đồi, núi... Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, tổng công suất có khả năng phát triển thêm khoảng 3.500 MWp.

Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu điện năng sang Campuchia có thể được thực hiện tăng sản lượng do tỉnh đang bán điện qua lưới truyền tải 220kV - mạch kép đủ khả năng truyền tải thêm. Hạ tầng đấu nối, giải tỏa công suất nguồn điện tương đối hoàn chỉnh, mỗi huyện được cung cấp điện từ TBA (trạm biến áp) 110kV và EVN SPC đang dần hoàn thiện kết mạch vòng…

Theo đại diện Green ID cho biết: Hiện đã có thêm khoảng 300 hộ gia đình ở huyện Tri Tôn được hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đang được triển khai. GreenID cũng đang mở rộng hợp tác với Hội LHPN tỉnh An Giang để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ứng dụng năng lượng tái tạo cải thiện thu nhập.

dien-mat-troi-04-1706340713.jpg
Dự án nông nghiệp công nghệ cao có sử dụng điện mặt trời ở những vùng khó khăn về điện đang đem lại hiệu quả rõ rệt. (Ảnh minh họa)

Nhận xét về các dự án này của GreenID, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết tới năm 2025, An Giang sẽ chuyển 30.000ha trong số 230.000ha đất lúa sang trồng cây trái và nuôi thủy sản. Trong đó nhiều nơi, như Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Tân Châu… sẽ khuyến khích áp dụng các mô hình gắn sản xuất với sử dụng điện mặt trời.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang còn triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao có sử dụng điện mặt trời ở những vùng khó khăn về điện và những vùng nuôi thủy sản cần nhiều điện với một phần vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới. Đã có 20 mô hình, công suất từ 1-5 Wp/mô hình, có nơi sẽ nâng lên 20-30 Wp/mô hình. Như mô hình nuôi cá theo công nghệ trong ao, sử dụng sủi bọt khí, mô hình trang trại gà ở Châu Phú. Một số doanh nghiệp lớn như True Milk, Nam Việt… cũng đang làm dự án đầu tư trang trại bò sữa, nuôi cá tra với nguồn điện mặt trời tại chỗ.

Với quy mô kinh tế hộ, có những loại cây không cần nắng nhiều như măng tây, khoai mì… thì trồng dưới dàn pin điện mặt trời. Ở vùng thủy sản, dự án đi vào những mô hình nuôi cá lóc, nuôi lương… Theo ông Thọ, người dân có thể kết hợp bán điện trên nền sản xuất này, vừa tăng thu nhập được 20%, vừa bảo vệ môi trường. Xa hơn có thể phát triển trang trại để vừa tạo cảnh quan sinh thái vừa bán điện.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang còn cho biết sẽ tham mưu cho tỉnh có chủ trương hỗ trợ tín dụng cho người dân và cần có hạ tầng để kết hợp. Sở cũng mong muốn Chính phủ có hỗ trợ mạnh hơn cho người dân ở những vùng đất kém hiệu quả để họ đầu tư kết hợp sản xuất với xài điện mặt trời hợp môi trường./.

Bình Nguyên