Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi - Góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường

Với quy mô chăn nuôi lớn sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xung quanh cũng như các dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Để giảm thiểu tối đa tình trạng này, thời gian qua HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương (huyện Nà Hang, Tuyên Quang) đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học đó là sử dụng đệm lót sinh học như là một "bí kíp" để nâng cao chất lượng chăn nuôi lợn, gà. Cũng nhờ đó, đàn vật nuôi của HTX luôn được khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
su-dung1-1689511305.jpg
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện thăm mô hình HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương cho biết: Hiện nay, HTX đang chăn nuôi khoảng 300 con lợn lai rừng và trên 1.000 con gà thương phẩm. Trước kia khi chưa biết đến đệm lót sinh học phân lợn, gà thải ra nếu không xử lý kịp thời thường bốc mùi khó chịu, mất nhiều công sức trong chăm sóc và vệ sinh chuồng trại mà đàn vật nuôi còn hay mắc bệnh và chậm lớn. Sau thời gian tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, anh đã quyết định áp dụng và đưa đệm lót sinh học vào chăn nuôi tại HTX.

Thay vì nuôi lợn, gà theo hình thức chăn thả, HTX sử dụng chế phẩm sinh học để làm đệm lót sàn được ủ từ mùn cưa trộn với men vi sinh với độ dày từ 20 đến 25cm giúp tiêu phân, do đó mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm. Lợn nuôi phát triển tốt, sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Sau thời gian sử dụng đệm lót sinh học, lợn của HTX chúng tôi tăng từ 1 đến 3kg/tháng, giảm được 60% công sức lao động và 90% chi phí điện nước rửa chuồng trại. Ngoài ra, sau một lứa vật nuôi xuất bán chế phẩm men vi sinh và mùn cưa được sử dụng làm đệm lót sinh học có thể tái sử dụng để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Cũng theo ông Tâm chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học có nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với cách nuôi truyền thống, đại trà. Người chăn nuôi cũng mất thời gian và chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì đây là hướng đi đúng. 

Có thể thấy, chăn nuôi lợn, gà trên nền đệm lót sinh học rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của những hộ dân, các HTX vì xử lý tốt vấn đề môi trường. Để nhân rộng và tiến đến áp dụng đại trà mô hình này thì công tác tuyên truyền đóng vai trò then chốt. Do vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phối hợp cùng các địa phương tăng cường các lớp tập huấn, tuyên truyền, cung cấp địa chỉ những hộ đã thực hiện thành công mô hình để nông dân học tập kinh nghiệm, hướng đến phát triển chăn nuôi thân thiện với môi trường.