Starbucks hướng tới loại bỏ cốc sử dụng một lần

Gã khổng lồ cà phê thông báo rằng họ sẽ thử nghiệm các chiến lược khác nhau tại một số cửa hàng trên toàn thế giới trong vài năm tới để tăng cường cốc tái sử dụng.
f749fede-5bbf-4191-8820-d7e759f65d44-1140x641-1647397032.jpg
Starbucks tiết lộ kế hoạch loại bỏ dần những chiếc cốc dùng một lần

Khi Starbucks mở lại trụ sở chính tại Seattle (Mỹ) vào tuần trước, nhân viên của họ đã bất ngờ khi thấy cốc nhựa và giấy dùng một lần của chuỗi cà phê được thay thế bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng.

Đây là sự thay đổi mà công ty đang cố gắng áp dụng vào tất cả các chi nhánh còn lại trên toàn thế giới, với gần 7 tỷ chiếc cốc dùng một lần được sử dụng mỗi năm.

Trước cuộc họp cổ đông thường niên vào thứ Tư, Starbucks đã tiết lộ những hành động mới nhất mà họ đang thực hiện để giảm bớt số lượng cốc dùng một lần. Việc này bao gồm hơn 20 lần thử nghiệm trên 8 thị trường để tìm ra cách tốt nhất nhằm loại bỏ cốc dùng một lần.

Vào cuối năm sau, khách hàng của Starbucks sẽ dùng cốc tái sử dụng cá nhân của họ cho mọi đơn hàng tại Mỹ và Canada, bao gồm cả đơn đặt hàng tại quán và đơn đặt hàng di động.

"Chúng tôi đang thực hiện rất nhiều thử nghiệm để tìm ra cách thuận tiện nhất cho khách hàng của Starbucks, giúp tiết kiệm thời gian và thân thiện hơn về mặt hoạt động với các đối tác của chúng tôi," Amelia Landers, phó Chủ tịch Starbucks chia sẻ.

Công ty có mục tiêu to lớn hơn là cắt giảm một nửa lượng chất thải và khí thải cacbon từ các hoạt động trực tiếp và năm 2030, với mục tiêu trở thành "nguồn tài nguyên tích cực" trong tương lai. Và đến năm 2025, Starbucks muốn tất cả khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận với những chiếc cốc có thể tái sử dụng do công ty cung cấp hoặc do họ mang từ nhà.

Theo Giám đốc phát triển bền vững của Starbucks, Michael Kobori, cốc và nắp dùng một lần đang chiếm đến 40% lượng rác thải của công ty.

Ông nói: "Cốc dùng một lần chiếm 20% lượng rác thải của chúng tôi trên toàn cầu, nhưng hơn cả vậy, nó là một biểu tượng. Đó là biểu tượng của Starbucks trên toàn thế giới và nếu có thể thay thế chiếc cốc dùng một lần với loại có thể tái sử dụng, chúng tôi sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của người tiêu dùng. Và tại Starbucks, chúng tôi thực sự có thể giữ vai trò tiên phong và thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp."

Khó khăn ở đây, là việc chuyển đổi suy nghĩ và hành vi của khách hàng, khiến họ từ bỏ cốc sử dụng một lần. Năm 2008, Starbucks từng đã đặt mục tiêu sẽ có khoảng 25% khách hàng dùng cốc tái sử dụng vào năm 2015, nhưng rõ ràng là công ty đã không đạt được tiêu chuẩn đó.

Landers nói: "Những gì chúng tôi học được từ việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của mình là ngay cả những người nhiệt tình nhất về tính bền vững thực sự vẫn có những lúc dùng cốc sử dụng một lần."

Starbucks đã giảm giá 10 xu cho mỗi đơn đặt hàng sử dụng cốc sứ hoặc cốc cá nhân kể từ những năm 1980, nhưng rất ít khách hàng sử dụng ưu đãi này. Năm nay, công ty đang tiến hành các cuộc thử nghiệm khác nhau trên khắp nước Mỹ để xem người uống cà phê phản ứng như thế nào với các biện pháp tài chính khác nhau, như tính thêm 10 xu cho cốc dùng một lần và giảm giá 50 xu cho cốc tái sử dụng.

Starbucks cũng đang có kế hoạch thử nghiệm các khu vực rửa cốc mới trong các quán cà phê ở O’ahu, Hawaii và trong khuôn viên của Đại học Bang Arizona. Khách hàng có thể rửa sạch cốc cá nhân của mình trước khi gọi đồ uống.

Công ty đang thử nghiệm các chương trình "mượn cốc" ở Nhật Bản, Singapore và London (Anh). Những chiếc cốc tái sử dụng được thiết kế để trả lại cho các cửa hàng, được làm sạch và sử dụng lại bởi những khách hàng khác. Công ty đã thử nghiệm chương trình này ở Seattle (Mỹ), nơi khách hàng trả tiền đặt cọc và nhận lại 1 USD khi họ trả cốc.

screenshot-2022-03-16-091936-1647397307.png
Những chiếc cốc sẽ được làm sạch trong cửa hàng trước khi cung cấp cho những khách hàng khác

Tại Hàn Quốc, Starbucks đã cam kết ngừng sản xuất cốc dùng một lần vào năm 2025. Bốn cửa hàng ở Jeju và 12 cửa hàng ở Seoul đã loại bỏ tất cả cốc dùng một lần. Theo Starbucks, các thử nghiệm ban đầu ở Jeju đã chuyển hướng ước tính khoảng 200.000 cốc dùng một lần khỏi các bãi rác trong ba tháng đầu tiên.

Các cam kết của Starbucks đối với các tác nhân xã hội, bao gồm công bằng chủng tộc và biến đổi khí hậu, đã khiến công ty trở nên phổ biến với các nhà đầu tư quan tâm đến môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp khi chọn cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty đã giảm 26% trong 12 tháng qua do công ty phải đối mặt với chi phí cao hơn và những bất ổn kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như cuộc xung đột ở Ukraine. Starbucks có giá trị thị trường là 91,1 tỷ USD./.