Sơn La: Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho 41.500 lao động nông thôn giai đoạn 2022 - 2025

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nhằm tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ngày 21/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
30-182-1672185029.jpg

Tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ tiêu đào tạo: Năm 2022 đào tạo 10.525 lao động; năm 2023 đào tạo 10.525 lao động; năm 2024 đào tạo 10.225 lao động; năm 2025 đào tạo 10.225 lao động. Đối tượng là lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương; Lao động làm việc trong các trang trại; doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân; nông dân thuộc vùng sản xuất tập trung thuộc quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản; Lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ nông thôn và các đối tượng khác theo quy định; Cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, lao động có mong muốn bổ sung kiến thức về hợp tác xã nông nghiệp. Bao gồm: Các thành viên hội đồng quản trị, các Giám đốc, Phó giám đốc hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; các ứng cử viên, đối tượng quy hoạch cho chức danh Giám đốc, Phó giám đốc và hội đồng quản trị hợp tác xã nông nghiệp.

UBND tỉnh yêu cầu việc thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đào tạo lao động nông nghiệp đáp ứng yêu cầu thực hiện các Đề án đã được phê duyệt: Đề án Phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thủy sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025… chú trọng các ngành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách Nhà nước hàng năm cho các địa phương từ các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án khác có liên quan./.

Lê Quang