Bà Rịa-Vũng Tàu: Gắn kết sản xuất, chế biến nông sản với thị trường tiêu thụ

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và thị trường tiêu thụ…

Vấn đề đặt ra nếu nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chậm thích nghi và chậm thay đổi sẽ thiệt hại. Tình hình mới yêu cầu phải có sự thay đổi căn cơ từ tổ chức sản xuất đến xây dựng chuỗi liên kết với tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản....

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện đang xảy ra tình trạng ùn tắc chỉ vì nguyên nhân một số lái xe, chuyên trách hàng hóa nông sản nhiễm COVID-19. Đây cũng là nguyên nhân Trung Quốc thông báo tạm ngưng nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam; trong đó, có thanh long của Bà Rịa-Vũng Tàu đến ngày 26/1/2022.

Ngừng xuất hàng đồng nghĩa với hàng hóa ùn ứ nội địa và giá cả giảm sâu là điều tất yếu. Huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn của tỉnh với khoảng gần 400ha. Thời điểm này, các nhà vườn đang sản xuất trái vụ - chong đèn để thanh long ra trái, vì vậy chi phí đầu tư cũng tăng cao hơn so với vụ chính trong năm. Ngay khi Trung Quốc ngưng nhập mặt hàng này, giá thanh long ruột đã giảm sâu, thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 5.000-6.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng còn khoảng 1.000 đồng/kg và hầu như ở các vườn thương lái không thu mua.

Đến vụ thu hoạch là phải xuất bán, không thể neo trái trên cây, chính vì vậy với giá bán này, bình quân mỗi ha thanh long, các nhà vườn thua lỗ từ 20-50 triệu đồng.

vna-potal-ba-ria-vung-tau-san-xuat-nong-nghiep-phai-chu-dong-linh-hoat-de-ung-pho-trong-tinh-hinh-moi-stand-1641790336.jpeg

Do ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo bộ quy trình từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến đóng gói, nên Công ty TNHH MTV Kizuna (huyện Châu Đức) đã có đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm 2022. Ảnh: Hoàng Nhị -TTXVN

Bà Trần Thị Diễm Phúc, nông dân xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, gia đình bà có 3.000 trụ thanh long, trong đó hiện đang có 1.800 trụ đang cho thu và đã chín đỏ trên cây, ước khoảng 9 tấn. Tuy nhiên, gia đình bà đã nhiều lần gọi thương lái nhưng không có ai tới. "Sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 chúng tôi không thể sản xuất được, nên chúng tôi rất mong chờ lứa thanh long này để trang trải nợ nần mà lại rơi vào cảnh thua lỗ như thế này", bà Phúc buồn rầu chia sẻ thêm.

Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu không còn là chuyện mới xảy ra mà đã trở thành điệp khúc đến hẹn lại lên của nhiều năm nay và câu chuyện này diễn ra thường xuyên hơn khi xảy ra dịch COVID-19.

Việc ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu mà ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường tiêu thụ nông sản nói chung. Vì nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây tươi, có tính mùa vụ nên ngay khi xảy ra việc xuất khẩu bị đình đốn, các mặt hàng trái cây tươi, nông sản xuất khẩu lập tức rớt giá, thậm chí không tiêu thụ được.

Mặc dù đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính trái cây tươi của Việt Nam nhưng trong giai đoạn thị trường xuất khẩu khó dự đoán do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp cần đầu tư mở rộng quy mô hệ thống kho lạnh để kịp thời ứng phó khi xuất khẩu gặp khó khăn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực mở rộng xuất khẩu sang các nước khác; đồng thời, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trong nước, nhất là qua hệ thống các siêu thị để chủ động hơn về đầu ra.

Đơn cử như đối với trái chuối già Nam Mỹ. Cách đây 5 năm, mặt hàng trái cây này chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Sau nhiều lần gặp tình trạng nông dân trồng ra bị thương lái ép giá xuống chỉ còn 500 đồng đến 2.000 đồng/kg do không xuất khẩu được nên diện tích chuối già Nam Mỹ tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã giảm mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng là mặt hàng này, nhưng Công ty TNHH Một thành viên Kizuna, ở xã Kim Long, huyện Châu Đức lại xuất khẩu đi được các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Malaysia… với sản lượng mỗi năm 800 tấn chuối.

Tuy mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm nhưng công ty Kizuna đã đạt chứng nhận VietGAP và các chứng nhận chuẩn theo yêu cầu của các đối tác xuất khẩu.

Để kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói, bảo quản, xuất khẩu, từ cây giống - trồng- chăm sóc - thu hoạch - đóng gói - bảo quản - xuất khẩu… Công ty TNHH Một thành viên Kizuna đã thực hiện sản xuất đạt chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất như: sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc diệt sâu bọ, tưới nước tiết kiệm… Hiện, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm 2022.

Anh Võ Đình Vũ, Cán bộ phụ trách xuất khẩu Công ty TNHH Một thành viên Kizuna cho biết, bên phía công ty cũng đã xây dựng một bộ quy trình khép kín trong sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc cho đến xuất khẩu; kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng để cho ra sản phẩm tốt nhất dành cho khách hàng.

Hiện nay, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây, nông sản xuất khẩu vào thị trường này đều bị kiểm tra về đóng gói cũng như mã số vùng trồng… Vì vậy, theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu, cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất, nhập khẩu... Muốn vậy, cần đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ…

Trước vấn đề này, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, trước những thách thức mới, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh thì tổ chức sản xuất cần phải thay đổi, có giải pháp cụ thể; thực hiện thích ứng linh hoạt trong việc cơ cấu lại tổ chức sản xuất theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh nhằm tiết kiệm chi phí, nhân lực và tạo ra những sản phẩm có giá trị.

Nhằm giảm thiểu rủi ro, tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục hiện đại hóa ngành nông nghiệp thông qua chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung để tạo nên giá trị, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; gắn hình thành chuỗi sản xuất liên kết với bao tiêu sản phẩm; xây dựng các thương hiệu nông sản sạch, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay./.