Sớm đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc

Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu, tỉnh đang tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với quyết tâm đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 17/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đã góp phần vào sự phát triển của vùng Tây Bắc và cả nước. Thủ tướng cũng ghi nhận tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan đã tổ chức tốt Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam lần thứ 4 tại tỉnh Sơn La.

83-1655737750.jpg
Mô hình trồng dâu tây tại HTX Dâu tây công nghệ cao, bản Búa, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, tỉnh Sơn La cần khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đồng thời xác định rõ mục tiêu, quan điểm và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương.

Trong chỉ đạo, điều hành tiếp tục bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả.

Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

anh-1-1-1655737773.jpg
Nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Sơn La có thêm cơ hội phát triển khi gắn với các hoạt động du lịch. Ảnh Báo điện tử Đảng CS Việt Nam.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Đồng thời, trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật phải gắn liền với thay đổi tư duy và phương thức sản xuất.

Cụ thể, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị (quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các tỉnh, các siêu thị, xuất khẩu...); khuyến khích, phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản; xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nhờ chủ trương và sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp, nhiều nông sản của tỉnh đã được các thị trường khó tính đón nhận như Australia, Pháp, Mỹ, Nhật...

Đặc biệt, thời gian qua, Sơn La đã tạo dựng được sức hút cho mình, được các doanh nghiệp lựa chọn làm địa điểm rót vốn đầu tư, trong chế biến nông sản có thể kể đến Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk)...

Nhờ đó, an sinh xã hội có những bước tiến vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 34,44% (năm 2015) xuống còn 18,62% (năm 2020), GRDP bình quân ước đạt 44,1 triệu đồng/người/năm.

5b336ce8806431a9f79b376d47e064d3-1655737787.jpg
Trồng cam tại xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh Báo Công Thương

Đến nay, Sơn La đã chuyển từ chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" sang chủ trương "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" bằng các giải pháp cơ cấu lại ngành kinh tế để phát triển lực lượng sản xuất, như ban hành 18 văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, qua đó đã hỗ trợ cho trên 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã; trên 50.000 lượt hộ gia đình, cá nhân phát triển kinh tế từ nông nghiệp.

Thực hiện hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào nhà máy để thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến. Chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tập trung, hỗ trợ xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường.

Các chính sách tập trung đổi mới quan hệ trong tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể, trọng tâm là phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi cung ứng nông sản an toàn và tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

Về đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (từ Km53 đến cuối tuyến, thuộc địa phận tỉnh Sơn La), Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của tỉnh về việc đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu thuộc địa phận tỉnh Sơn La theo hình thức đầu tư công và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản dự án theo các quy định hiện hành…