Thông tin trên được Thái tử Mohammed bin Salman đưa ra trong bài phát biểu trước diễn đàn "Sáng kiến Xanh Saudi” tổ chức vào ngày 23/10. Ông cho hay quốc gia Vùng Vịnh này sẽ triển khai nhiều sáng kiến trong lĩnh vực năng lượng nhằm giảm 278 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm tới năm 2030, tăng hơn gấp đôi mục tiêu đã công bố trước đó.
Ngoài ra, Saudi Arabia cũng sẽ gia nhập Hiệp ước Methane Toàn cầu. Một thông báo sau đó cho hay Saudi Arabia Arabia sẽ góp phần cắt giảm 30% lượng khí thải methane trên toàn cầu vào năm 2030, như một phần trong cam kết mang lại một tương lai xanh, sạch hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết mục tiêu năm 2060 sẽ cho nước này có một quá trình chuyển đổi suôn sẻ và khả thi, mà không gặp rủi ro về các tác động kinh tế hoặc xã hội.
Ngay sau đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco cho biết họ cam kết trở thành doanh nghiệp không có phát thải ròng vào năm 2050.
Vào tháng Ba năm nay, Saudi Arabia đã công bố chiến dịch chống biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon, bao gồm kế hoạch trồng hàng tỷ cây xanh trong những thập kỷ tới. Tại thời điểm đó, Thái tử Mohammed cho biết, Saudi Arabia đặt mục tiêu giảm lượng khí thải bằng cách tạo ra một nửa năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Đến sự kiện ngày 23/10 vừa qua, Thái tử Saudi Arabia thông báo rằng giai đoạn đầu tiên sẽ bao gồm trồng hơn 450 triệu cây xanh và cải tạo tám triệu héc-ta đất bị thoái hóa.
Saudi Arabia cũng cho biết, họ sẽ chỉ định các "khu bảo tồn" mới. Theo Thái tử Mohammed, động thái này đưa tổng số khu vực được bảo vệ lên hơn 30% tổng diện tích vương quốc. Đồng thời, ông cho biết thêm nhóm sáng kiến xanh đầu tiên sẽ tiêu tốn hơn 700 tỷ riyal (186,6 tỷ USD).
Saudi Arabia ước tính thải ra khoảng 600 triệu tấn khi CO2 mỗi năm, nhiều hơn Pháp và thấp hơn một chút so với Đức.
Năm 2050 đã trở thành trọng tâm của mục tiêu trung lập về carbon, được định nghĩa là đạt được sự cân bằng giữa lượng carbon thải ra và lượng hấp thụ từ khí quyển. Khi COP26 đến gần, một loạt quốc gia đã cam kết hướng tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Các hãng hàng không và ngân hàng toàn cầu cũng đang hướng tới mục tiêu giữa thế kỷ này./.