Giá cam sành tăng lên 9.000 đồng/kg nhà vườn có lãi
Từ cuối tháng 2/2024 đến nay, giá cam sành ở Trà Vinh đã tăng lên 9.000 đồng/kg, so với trước đó giá chỉ từ 5.000-6.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nhà vườn chuyên trồng cam sành ở tỉnh Trà Vinh đã bắt đầu có lãi.
Nhà vườn Nguyễn Văn Bé, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, cho biết gia đình có hơn 1ha cam sành cho quả được 3 năm. Năm 2023 là năm mà gia đình ông và tất cả nhà vườn chuyên trồng cam sành thua lỗ nặng nhất do cam sành có lúc giá bán giảm thê thảm xuống mức 1.500-2.000 đồng/kg.
Trong khi đó, chi phí cho sản xuất bình quân để có 1kg quả cam sành phải mất khoảng 7.000 đồng. Bình quân, cây cam sành từ 3 năm tuổi trở lên cho năng suất đạt khoảng 100-110 tấn/ha. Nếu giá cam sành tuột giảm xuống mức 5.000 đồng/kg, nhà vườn thua lỗ 200 triệu đồng/ha, chưa kể chi phí khoảng 900 triệu đồng để lên liếp, mua cây giống lập nên 1ha vườn cam sành chăm sóc trong 2 năm đầu mới cho quả.
Nhà vườn Trần Văn An, ở xã Thông Hòa, cho biết đối với trái cam sành thị trường tiêu thụ chủ yếu được thương lái thu mua cung ứng cho các tỉnh phía Bắc và xuất sang thị trường Trung Quốc. Từ tháng 2/2023, thị trường xuất khẩu cam sành bị đứt gãy nên cung vượt cầu, giá cam sành cũng bắt đầu lao dốc, tuột xuống mức thấp nhất chưa bao giờ có.
Theo các nhà vườn, chi phí bình quân để trồng 1 ha cam sành khoảng 250 triệu đồng, gồm: mua cây giống, cải tạo đất, lên liếp, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Với năng suất bình quân 70 tấn/ha và giá bán 1.500 đồng/kg như thời điểm chạm đáy đầu năm 2023, theo tính toán, nhà vườn lỗ khoảng 150 triệu đồng/ha; nếu thuê đất để trồng thì thua lỗ càng nặng hơn.
Tuy nhiên, hiện nay giá cam sành đã bắt đầu tăng lên giúp nhà vườn có lãi bình quân khoảng 2.000 đồng/kg và dự báo có thể tăng thêm trong thời gian tới do đang là thời điểm mùa khô, nhu cầu thức uống từ cam tươi tăng cao, trong khi sản lượng cam sành cho quả ít hơn so với mùa mưa.
Chiến lược phát triển vùng cam sành bền vững
Tỉnh Trà Vinh hiện có tổng diện tích trồng cam trên 3.000 ha. Một trong những khó khăn là trái cam sành ở Trà Vinh hiện chưa có thị trường xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa; phần lớn là các tỉnh ở miền Trung và miền Bắc.
Trước tình hình khó khăn về đầu ra thị trường, giá cả xuống thấp, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng cam; tập trung cải tạo vườn cây ăn trái già cỗi, kém hiệu quả kinh tế, chuyển sang phương thức lập vườn cây ăn trái với đa dạng cây trồng để tránh cung vượt cầu, nhất là khi thị trường xuất khẩu bị hạn chế. Nhà vườn trong tỉnh cần kết nối cùng các hợp tác xã tìm nguồn tiêu thụ trái cây ổn định với giá tốt hơn từ các chủ vựa, cơ sở thu mua lớn ngoài tỉnh.
Theo ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cầu Kè, toàn huyện có khoảng 9.000ha vườn cây ăn trái; trong đó, diện tích trồng cam sành có trên 2.470ha cam sành, chiếm 80% diện tích trồng cây cam sành cả tỉnh. Ngay khi giá cam sành tăng trở lại, nhà vườn trong huyện đã tập trung vun gốc, bón phân, chăm sóc cho cây ra hoa kết quả để có thu nhập bù đắp lại khoảng thua lỗ.
Để hỗ trợ nhà vườn ứng phó với tình hình hạn, mặn, các Trạm Thủy nông trên địa bàn huyện đã thực hiện “kịch bản” vận hành đóng-mở các cống thủy lợi đầu mối trên toàn tuyến Sông Hậu để ngăn mặn, tích ngọt đảm bảo đủ nguồn nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái.
Các địa phương trong huyện đã vận động khuyến khích các nhà vườn thực hiện việc gia cố bờ bao, thường xuyên đo độ mặn theo thủy triều trong ngày để quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt vào mương vườn, đảm bảo trên 90% nguồn nước ngọt được tích trữ chăm sóc cho cây cam sành và các vườn cây ăn trái khác./.