Sau Tết Nguyên đán, thị trường lúa gạo có xu hướng giảm ở một vài mặt hàng. Tại ĐBSCL, giá lúa hôm nay (6/2) biến động nhẹ. Tại nhiều địa phương, nguồn lúa chào bán lai rai, giao dịch lúa mới vẫn chậm.
![gia-lua-gao-sau-tet-2-1738826496.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/DoTrongDat/2025/02/06/gia-lua-gao-sau-tet-2-1738826496.jpg)
Tại An Giang, nông dân chào bán chủ yếu lúa thơm và lúa ngang, lúa OM5451 ít lượng, giao dịch mua bán chậm. Ở Sóc Trăng, nguồn lúa chào bán có khá, bạn hàng đa phần lấy lúa cọc trước Tết.
Trong khi đó, nông dân Đồng Tháp chào vững giá, giao dịch mới chậm. Tại Cần Thơ, nhu cầu mua lúa thơm có lai rai, lượng không nhiều, thương lái mua ít làm hàng đầu năm, giá lúa ít biến động.
Ông Nguyễn Thành Nhơn (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết vụ đông xuân 2024 - 2025, gia đình ông trồng trên 8ha giống lúa OM380, dù còn hơn 1 tháng nữa mới thu hoạch nhưng khá lo lắng do giá lúa "bấp bênh" hơn so với năm trước.
So với trước Tết, giá lúa OM380 đã tăng 300 - 400 đồng/kg, dao động ở mức 4.800 - 4.900 đồng/kg nhưng chưa như kỳ vọng. "Nếu vụ đông xuân này, lúa cho năng suất dưới 1 tấn lúa/công đi kèm với giá này, nông dân không lợi nhuận nhiều.
Nếu năng suất lúa hơn 1 tấn/công mới có lợi nhuận nhẹ. Năm nay, thời tiết thuận lợi cho bà con nông dân làm lúa nên hy vọng thu hoạch sẽ cho năng suất cao", ông Nhơn nói.
Theo ông Trần Văn Bảo (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), vừa thu hoạch xong hơn 2ha lúa ST25, vụ mùa này dù không trúng giá nhưng năng suất cao do thời tiết thuận lợi. "Sau vụ lúa, gia đình chừa ra một ít phơi lại để dành ăn, còn lại bán hết. Giờ giá lúa 9.000 đồng/kg bán cũng được, nếu phơi lại không có chỗ để, hao hụt cũng nhiều, tốn nhân công", ông Bảo nói.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam duy trì ổn định. Trong đó, loại tiêu chuẩn 100% tấm có mức 318 USD/tấn; loại 5% tấm thu mua với giá 405 USD/tấn; còn giá gạo loại 25% tấm ở ngưỡng 380 USD/tấn.
![gia-lua-gao-sau-tet-1-1738826543.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/06/gia-lua-gao-sau-tet-1-1738826543.jpg)
Tại tỉnh Hậu Giang, thời điểm này, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch lúa Đông xuân đầu vụ. Tuy nhiên giá lúa đã giảm sâu so với vụ Thu đông vừa qua do vậy người dân khá lo lắng.
Cụ thể, vào thời điểm này, giá lúa được thương lái thu mua ở mức thấp hơn so với vụ Thu đông vừa qua từ 1.500-2.000 đồng/kg. Hiện giá lúa Đài thơm 8 còn 6.100-6.300 đồng/kg; RVT ở mức khoảng 8.000 đồng/kg và ST25 ở mức khoảng 8.600 đồng/kg… Giá lúa xuống thấp nhưng có rất ít thương lái tìm mua.
Giá lúa xuống thấp kéo theo giá gạo bán ra trong tỉnh cũng giảm đáng kể. Hiện gạo Đài thơm bán sỉ ở mức 13.200 đồng/kg, gạo một bụi khoảng 14.000 đồng/kg, ST25 khoảng 25.000 đồng/kg…. Nhiều tiểu thương mua bán gạo tại các chợ trong tỉnh cho biết không dám dự trữ gạo mà phần lớn lấy hàng vừa đủ để bán, bởi lo ngại giá gạo sắp tới sẽ tiếp tục giảm.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, giá lúa gạo giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã tăng nhập khẩu trong năm vừa qua giúp tồn kho bảo đảm trong ngắn hạn cho an ninh lương thực nên chưa vội thu mua dự trữ cho năm 2025 mà đang chờ giá gạo chuyển biến. Ngoài ra, Ấn Độ được mùa và mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ đã tác động đến thị trường thế giới, trong đó có nước ta.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Đông xuân 2024-2025 toàn tỉnh xuống giống gần 73.800ha, trong đó có hơn 50.000ha lúa đang trong giai đoạn trổ chín. Những ngày qua nông dân trong tỉnh đã bắt đầu thu hoạch với năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha.
![gia-lua-gao-sau-tet-3-1738826577.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/06/gia-lua-gao-sau-tet-3-1738826577.jpg)
Ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho biết giá lúa có tăng nhẹ trở lại một chút so với trước Tết. Nguyên nhân giá lúa tăng sau Tết cũng một phần do các doanh nghiệp khai trương rồi thu mua lúa theo tập tục và có ký hợp đồng với số lượng thấp.
"Dù nhu cầu nhập gạo của các nước vẫn rất lớn nhưng các nhà nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam đã nhập khẩu gạo nhiều vào năm 2024 rồi nên không cần nhập gấp. Các nước cũng nắm bắt thông tin Việt Nam đang bước vào thu hoạch lúa vụ đông xuân nên cũng đang chờ giá lúa giảm mới thu mua nên giá lúa khó tăng mạnh", ông Bình nói.
Còn theo ông Phạm Thái Bình, đầu năm mới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL khai trương nên có ký xuất khẩu gạo với các nước truyền thống nhưng không nhiều, chỉ mua bán cầm chừng. Khả năng từ nay đến khi thu hoạch rộ, giá lúa khó tăng.
"Dù có nhu cầu rất lớn nhưng các nước nhập khẩu gạo đang chờ giá gạo giảm mới mua. Muốn phá vỡ cái này, VN phải phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững. Tức là sản xuất phải gắn liền với tiêu thụ", ông Bình nói.
"Có khi chỉ cục bộ vài tháng như thế này mà chúng ta không chủ động trong tiêu thụ và sản xuất, rõ ràng phải bán đổ bán tháo. Chưa kể một số doanh nghiệp không đủ nguồn vốn phải ký hợp đồng bán đổ bán tháo, chạy dòng tiền để đáo hạn ngân hàng. Không có cách nào khác phải thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp mà Chính phủ đã phê duyệt", ông Bình nói thêm./.