Sau 17 tháng thẩm tra, bột mỳ Việt Nam đã vượt qua kỳ sát hạch xuất khẩu vào Đài Loan

Việt Nam đã vượt qua kỳ sát hạch thẩm tra trên hồ sơ của TFDA đối với yêu cầu cơ quan quản lý và doanh nghiệp cung cấp thông tin hồ sơ quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm từ bột mỳ. TFDA đã tiến hành thẩm tra trong gần 17 tháng, tiến hành đánh giá, hoàn tất quy trình thẩm tra bằng văn bản đồng thời đóng hồ sơ vụ việc.

Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết ngày 9/7, Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc đã có Công điện gửi Bộ Công Thương để trao đổi về việc thẩm tra doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ bột mỳ Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan (Trung Quốc).

bot-my-viet-nam-xuat-khau-3-1720701529.jpg
Đài Loan (Trung Quốc) đóng hồ sơ vụ việc thẩm tra doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ bột mỳ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, ngày 9/7, Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc nhận được công hàm số 1132003749 ngày 4/7 của cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA). Công hàm nêu rõ, căn cứ các thông tin về quản lý thẩm tra Nhà nước các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ bột mỳ và các tài liệu liên quan do phía Việt Nam cung cấp, TFDA đã tiến hành đánh giá, hoàn tất quy trình thẩm tra bằng văn bản đồng thời đóng hồ sơ vụ việc.

Do truyền thống ẩm thực, đến nay các món được làm từ bột mì vẫn khá phổ biến trong các bữa ăn của người Đài Loan (Trung Quốc). Về chính sách, sản phẩm bột mì tại Đài Loan (Trung Quốc) có mã HS 11010010 (Wheat flour). Sản phẩm nhập khẩu vào Đài Loan từ Việt Nam và các nước thành viên WTO có thuế nhập khẩu MFN 17,5%.

bot-my-viet-nam-xuat-khau-4-1720701575.jpg
Các món được làm từ bột mì vẫn khá phổ biến trong các bữa ăn của người Đài Loan (Trung Quốc). (Ảnh minh họa)

Khi nhập khẩu sản phẩm bột mì chịu sự quản lý của FDA; mã quản lý F01 (Importation of foods shall follow the "Regulations for Inspection of imported Foods and Related Products". The importer shall apply for inspection to the Food and Drug Administration, Ministry of Health and Welfare (FDA)).

Về quy mô thị trường, theo thống kê của Hải quan Đài Loan, năm 2023 Đài Loan đã nhập khẩu 23.823 tấn bột mì từ 15 đối tác trên  toàn thế giới, tăng 8,43% so với lượng 21.988 tấn của năm 2022.

Đối tác cung ứng mặt hàng này nhiều nhất cho Đài Loan năm 2023 là Hồng Kông 15.982 tấn (67,09% thị phần). Tiếp đến lần lượt là các đối tác Philippines 2.145 tấn (9% thị phần); Macao 1.635 tấn (6,68%); Malaysia 1.338 tấn (5.62%); Singapore 1.017 (4,27%) và Hoa Kỳ 642 tấn (2,69%).

Cũng theo thống kê của phía Đài Loan năm 2023, Việt Nam là đối tác cung ứng bột mì lớn thứ 7 của Đài Loan, với lượng 244 tấn bột mì đã được xuất khẩu cho Đài Loan trong năm 2023, kim ngạch đạt 54.171 USD, tăng 14,28% về lượng và 168,69% về giá trị so với năm 2022.

bot-my-viet-nam-xuat-khau-2-1720701617.jpg
Theo thống kê của phía Đài Loan năm 2023, Việt Nam là đối tác cung ứng bột mì lớn thứ 7 của Đài Loan, với lượng 244 tấn bột mì đã được xuất khẩu cho Đài Loan trong năm 2023. (Ảnh minh họa)

TFDA đề nghị phía Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ bột mỳ xuất khẩu vào Đài Loan; đôn đốc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý các tài liệu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn đối với các sản phẩm xuất khẩu vào Đài Loan.

Như vậy, sau quãng thời gian gần 17 tháng (từ tháng 2/2023 đến nay) Việt Nam đã vượt qua kỳ sát hạch thẩm tra trên hồ sơ của TFDA đối với yêu cầu cơ quan quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cung cấp thông tin hồ sơ quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm từ bột mỳ./.

PV