Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng, rau trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ghi nhận thực tế tại xã Quảng Lộc huyện Quảng Xương cho thấy, vài năm trở lại đây, người dân trong xã vẫn chủ động trồng cần tây, đây là một trong những loại rau chỉ phù hợp với khí hậu mát lạnh, nhưng nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông dân ở đây đã biến loại rau “nở hoa” trong ngày hè nắng nóng. Đây là loại rau không thể thiếu khi chế biến các món ăn thường ngày như: phở, miến trộn, bún miến các loại... nên nhu cầu của người tiêu dùng cao, cần quanh năm. Đây là lý do khiến rau cần trái vụ được bán với giá cao hơn hẳn so với trồng chính vụ.
Anh Lê Văn Dương, người trồng rau trái vụ đầu tiên trong xã cho biết: “Vì là loại rau phát triển mạnh trong thời tiết mát, lạnh nên khi đã bắt tay vào trồng cần tây trái vụ, người trồng phải kiên trì, chịu khó, thường xuyên ra thăm đồng để kịp thời xử lý sâu bệnh. Toàn bộ diện tích ruộng rau được tôi che phủ lưới đen, những ngày nắng gắt thì kéo lưới che lại, chiều mát lại kéo lưới ra để cây có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, người trồng cần chú trọng việc tưới nước, kết hợp bón phân đều để cây đạt độ ẩm tuyệt đối, tránh trường hợp cây bị khô, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng và kém chất lượng. Hiện, cây cần tây trái vụ trung bình 45 ngày cho thu hoạch 1 lứa và được bán với giá trung bình từ 20.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với chính vụ”.
Không chỉ ở huyện Quảng Xương, mà hầu hết các địa phương ở khu vực đồng bằng đều áp dụng các mô hình trồng cây trái vụ để gia tăng thu nhập. Tại huyện Thọ Xuân, giữa những ngày trung tuần tháng 8, nhiều hộ dân trong huyện vẫn có các loại rau trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho thị trường.
Bà Phạm Thị Tâm, trú tại xã Thọ Hải cho biết: “Từ khi gia đình tôi bắt đầu trồng rau trái vụ, hiệu quả kinh tế đã gấp đôi so với trồng thông thường. Tuy nhiên, để mà “ép” cho rau phát triển trái mùa, cần bỏ ra một khoản kinh phí để đầu tư công nghệ”.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, cho biết: “Để rau trái vụ đạt năng suất và chất lượng cao, người trồng cần che chắn cẩn thận bằng bạt nilon cũng như chú ý lượng nước tưới cho cây. Bên cạnh đó, xã đã cử cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau trái vụ cho người dân vì đây là hình thức canh tác mới, khó thực hiện nên khi đã làm thì phải đúng kỹ thuật ngay từ khâu làm đất, bón phân... Nhờ đó, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn nâng cao giá trị trên 1 đơn vị canh tác, tránh tình trạng được mùa mất giá”.
Đến nay, huyện Thọ Xuân đã phát triển được hơn 45ha trồng rau an toàn tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện các sản phẩm rau an toàn đã có thị trường tiêu thụ ổn định tại các bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Theo tính toán của các hộ, rau an toàn có doanh thu bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Mô hình trồng rau trái vụ đã giúp người dân thay đổi tập quán, tư duy sản xuất, từ đó có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, các mô hình trồng rau trái vụ cũng gặp nhiều khó khăn do yếu tố thời tiết khô hạn, nắng gắt, có lúc lại ngập úng... khiến sâu bệnh dễ phát sinh, cây trồng cũng kém phát triển hơn. Ngoài ra, để cây trồng trái vụ phát triển tốt, cần có nguồn vốn lớn. Đây là rào cản mà nhiều nông dân hiện nay gặp phải./.