Sản xuất công nghiệp Yên Bái vượt bão dịch

Dù chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, công nghiệp tỉnh Yên Bái vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2021, góp phần quan trọng vào bức tranh chung của nền kinh tế nhiều khởi sắc của tỉnh. Đạt được kết quả này, phải kể đến sự hỗ trợ kịp thời các cấp chính quyền; sự nỗ lực vượt khó, vươn lên, thích ứng với tình hình mới của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

*Hỗ trợ cho công nghiệp tăng trưởng

Để tiếp sức cho các doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, tỉnh Yên Bái liên tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo đột phá về cơ chế; triển khai đồng bộ, có hiệu quả chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Trọng tâm là tháo gỡ khó khăn liên quan đến đầu vào cho sản xuất, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Theo ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái đã triển khai rất tốt các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại và tư vấn phát triển công nghiệp. Hoạt động thương mại có sự đổi mới mạnh mẽ, từ thương mại truyền thống sang xúc tiến thương mại điện tử và hình thức trực tuyến. Tỉnh đang rất tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu sản xuất doanh nghiệp, nhất là mạng lưới giao thông, dịch vụ logistics…

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Yên Bái thường xuyên chủ trì đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, lao động, hồ sơ pháp lý giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan đánh giá tác động, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại doanh nghiệp để xây dựng kịch bản ứng phó trong từng tình huống.

3f3b8820-a877-4e18-9628-89451d4c7365-1642069476.jpeg
Sản xuất công nghiệp Yên Bái vượt bão dịch. Ảnh minh hoạ

Là một doanh nghiệp mới đứng chân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty cổ phần An Tiến Industries chuyên sản xuất bột đá CaCO3 tại Khu Công nghiệp phía Nam đã và đang được hưởng lợi từ nhiều cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Bà Đặng Thị Quỳnh Phương, giám đốc công ty phấn khởi cho biết, nhờ Yên Bái thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch, cùng với những quyết sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của tỉnh nên năm 2021, doanh nghiệp vẫn ổn định được sản xuất, doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 100 tỷ đồng, tăng trưởng cao hơn 88% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện nhanh chóng, đầy đủ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như: 52/2021/NĐ-CP và Nghị định 92/2021/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân do tác động của dịch bệnh COVID-19; Nghị quyết 116/NQ-CP và Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Hiện các chính sách hỗ trợ này đang phát huy hiệu quả tác dụng, tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.

* Nhiều ngành trọng điểm tăng trưởng cao

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch bệnh, ông Trịnh Huỳnh Yên, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái nhất quán quan điểm bảo vệ an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người lao động là trên hết, trước hết. Tỉnh kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, thiết lập “vùng xanh” an toàn trong doanh nghiệp; yêu cầu 100% doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện tầm soát sàng lọc cho chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Nhờ đó, sản xuất công nghiệp Yên Bái vượt qua "bão dịch” và luôn giữ được nhịp độ sản xuất, có mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 19.462 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 18,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,5%; ngành sản xuất điện tăng 9,2%... Đặc biệt, một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng cao, như: quặng sắt và tinh quặng sắt tăng 45%; quặng chì và tinh quặng chì tăng trên 18%; dăm gỗ tăng 28,4%; ván gỗ ép tăng 36,4%; đá các loại tăng 26%; giấy làm vàng mã tăng 19,5%; thép hợp kim rỗng tăng 46,7%, quế và tinh dầu quế tăng 13,4%...

Đây cũng là những sản phẩm chủ lực xuất khẩu của tỉnh Yên Bái, điều đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của tỉnh Yên Bái đạt trên 226 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về kết quả đạt được, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, được Bộ Công Thương đánh giá Yên Bái là một địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp năm 2021 cao so với cùng kỳ.

Điều đó có được là nhờ một số sản phẩm chủ lực tăng trưởng tích cực, sản xuất không bị gián đoạn, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Đồng thời, một số nhà máy, dự án mới đi vào hoạt động cũng đã gia tăng sản lượng, đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Bước sang năm 2022, dự báo sản xuất công nghiệp tỉnh Yên Bái vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với tiềm năng và tiền đề đã có từ năm 2021, mục tiêu đặt ra đối với chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Yên Bái tăng trưởng 9% nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa lên 280 triệu USD và đưa cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng của tỉnh chiếm trên 32% toàn nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Yên Bái vẫn xác định sản xuất công nghiệp sẽ quyết định mục tiêu tăng trưởng, có vai trò quan trọng và động lực cho sự phát triển của ngành dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Do vậy, bên cạnh các biện pháp "chung sống an toàn với dịch COVID-19”, tỉnh Yên Bái sẽ chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là các doanh nghiệp chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm của tỉnh.

Đồng thời, Yên Bái tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất một số sản phẩm công nghiệp truyền thống của tỉnh Yên Bái./.