Theo Sở Công Thương Kiên Giang, sản xuất công nghiệp năm 2021 của tỉnh trong bối cảnh biến động của thị trường thế giới và trong nước do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất, nguồn nguyên liệu, lao động phục vụ sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu mua nguyên liệu chế biến, chi phí vận chuyển tăng cao làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhà máy, cơ sở hoặc chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Trong quý III, mức sản xuất giảm nghiêm trọng và bước vào quý IV sản xuất đi vào trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp nỗ lực khôi phục lại sản xuất nhưng vẫn ở mức thấp hơn trước khi dịch diễn ra.
Tiếp đến, đối với phát triển khu công nghiệp của tỉnh, ước năm 2021 tổng giá trị đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hơn 323 tỷ đồng, bằng 52,6% kế hoạch. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ của đa số các doanh nghiệp đều đạt thấp. Ước giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2021 hơn 6.000 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, các doanh nghiệp nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh cũng như việc làm cho người lao động. Tỉnh đồng hành, hướng dẫn doanh nghiệp phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp thuận lợi hơn trong điều kiện bình thường mới. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh xây dựng các kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh; trong đó, có sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, tỉnh tập trung các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp, tạo đà cho lĩnh vực kinh tế này phát triển hiệu quả hơn trong năm 2022.
Cụ thể là, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; đảm bảo nguồn lực lao động, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến, tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất chế biến, bảo quản, lưu thông, thực hiện các chuỗi cung ứng…
Tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh thông tin về các thị trường xuất nhập khẩu đang phục hồi, tập trung hỗ trợ các ngành hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn và có lợi thế của tỉnh như: thủy sản, gạo…; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh…/.