Sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh "chạy nước rút" cuối năm

Trong tháng cuối năm 2021, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực. Trên cơ sở này, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn đang "chạy nước rút" để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

* Phương châm "an toàn là trên hết"

Theo cộng đồng doanh nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh đã kiểm soát dịch bệnh và tiến hành mở cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm "An toàn là trên hết". Người lao động có xu hướng trở lại thành phố tìm việc, còn doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp 5K, nhằm từng bước khôi phục sản xuất công nghiệp nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.

Ghi nhận thực tế, sau khi nối lại hoạt động sản xuất trong điều kiện "Thích ứng, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã dần bắt nhịp ổn định, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021. Cụ thể, có hơn 95% doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp đã hoạt động trở lại, đồng thời liên tục bổ sung lao động.

thanh-pho-ho-chi-minh-no-lu-1638950914.jpg
Ảnh minh họa

Ông Huỳnh Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu chế xuất – khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HBA) chia sẻ, hầu hết doanh nghiệp hội viên của HBA đã quay trở lại hoạt động và đang tăng tốc sản xuất từ đầu tháng 11/2021 đến nay. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại với lực lượng lao động đến làm việc ít nhất là 70%; thậm chí, có doanh nghiệp thu hút nhanh lao động trở lại làm việc trên 90% nhằm sớm phục hồi sản xuất đáp ứng đơn hàng cho khách.

Khảo sát của Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Hepza) cho thấy, doanh nghiệp không chỉ tăng tốc sản xuất cho đơn hàng còn tồn đọng do bị ảnh hưởng trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh mà còn kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao cho những tháng cuối năm. Để phòng chống dịch, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị và linh hoạt theo chủ trương của địa phương.

Điển hình về chủ động chống dịch bệnh trong tình hình mới, Hepza đã thành lập thêm Khu thu dung và điều trị COVID-19 ở Khu khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Hepza cũng đã làm việc với chủ đầu tư để thành lập khu cách ly tập trung tại Khu công nghiệp Đông Nam ở huyện Củ Chi, khu cách ly tập trung ở Khu công nghiệp Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè… và đang tiếp tục rà soát những nơi có đủ điều kiện để phối hợp, sớm thành lập thêm khu cách ly tập trung.

Cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án vừa phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo vừa duy trì và không để đứt gãy sản xuất. Mặc dù tuân thủ tốt quy trình phòng chống dịch bệnh theo quy định nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ của cơ quan y tế và chính quyền địa phương trong xử lý kịp thời những trường hợp nhiễm COVID-19, hạn chế lây lan và duy trì hoạt động sản xuất.

* Chỉ số sản xuất toàn ngành tăng

Báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 tăng 13,3% so với tháng 10/2021. Tính chung 11 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Do tác động của dịch COVID-19 vẫn còn rất lớn khiến hầu hết ngành công nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, có thể kể đến ngành công nghiệp sản xuất đồ uống, trang phục, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị...

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng qua đã giảm 11,8% so với cùng kỳ năm truớc; trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 18,7%, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 15,1%, ngành cơ khí giảm 10,6%, ngành hóa dược giảm 5,6%.

Đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 được cải thiện hơn so với tháng 10. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020 thì tháng 11/2021 nhiều ngành hàng chủ lực có chỉ số sản xuất âm.

Đặc biệt, trong nửa cuối tháng 11/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng trở lại. Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh quyết liệt chỉ đạo thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch; trong đó chú trọng việc tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Trước thực trạng nêu trên, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì những chính sách an sinh, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn... Nhiều sở, ngành khác trên địa bàn đã phối hợp thực hiện cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay...

Đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cuối tháng 11, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng HEPZA, Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố (SHTP) tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 (SFS 2021). Tại hội nghị, khoảng 100 nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng đã có hơn 230 cuộc kết nối đăng ký trực tiếp và trực tuyến.

Các doanh nghiệp tham gia hội nghị cũng giới thiệu danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện, sản phẩm có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc đa dạng ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, có nhiều sản phẩm như điện - điện tử, cơ khí chế tạo - cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền động, tự động hóa công nghiệp...

Cùng đó, tại hội nghị kết nối cung cầu giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 vừa diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 12 cũng thu hút sự tham gia của 45 tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể, có 16 Sở Công Thương các tỉnh, thành tham dự trực tiếp, Bộ Công Thương và 29 Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành tham gia trực tuyến tại nhiều điểm cầu. Bên cạnh đó, có 28 tỉnh, thành tham gia triển lãm tại 500 gian hàng trực tiếp, 20 tỉnh - thành tham gia triển lãm 92 gian hàng thực tế ảo...

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh phải kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành bạn. Đây sẽ là cơ sở hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu. Ngoài ra, ngành công thương cần nghiên cứu kết hợp giữa phương thức cung cầu hiện đại - thương mại điện tử và truyền thống, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động thị trường; trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử.../.