Sàn thương mại điện tử: Sân chơi mới của nông sản Việt

Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là điều kiện cho nhiều nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm đến với thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả
lanh-dao-tham-quan-1699540653.jpg
Lãnh đạo tham quan các sản phẩm nông sản trong buổi triển lãm kết nối cung - cầu

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 180 doanh nghiệp, 11 HXT và gần 150 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP đã được quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Để các hộ sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận với sàn thương mại điện tử (TMĐT), Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, cùng với sự tập huấn của các cơ quan chức năng, các hộ sản xuất kinh doanh, HTX đã dần tiếp cận với sàn TMĐT. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có trên 500 sản phẩm khác nhau đã tiếp cận được sàn TMĐT như: Tiki, Lazada, Postmark.vn… Các sản phẩm được đưa lên sàn đều là những sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó có nhiều sản phẩm là sản phẩm OCOP.

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên toàn tỉnh hiện có trên 5.568 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, 188 website bán hàng được duyệt điện tử, trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng, gần 500 sản phẩm nông sản của Thanh Hóa đã được đưa lên sàn bán hàng trực tuyến.

Các sản phẩm của tỉnh tham gia sàn TMĐT ngày càng phong phú, đa dạng. Từ các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến, như: gạo, chè, dứa, rau củ qua… đến các loại hoa quả sấy khô, sản phẩm quả tươi, xoài, nhãn, chanh leo, mật ong... Đặc biệt hiện đã có hơn 50 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản được đăng tải lên các sàn giao dịch TMĐT.

Nếu như trước đây, khi người nông dân làm ra sản phẩm, để tiêu thụ họ thường mang ra chợ, hoặc bán qua các thương lái, quá trình vận chuyển nhiều thời gian và công sức, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành không cao.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ thể của 6 sản phẩm OCOP về Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa cho biết: “Trước đây sản phẩm của tôi chủ yếu bán qua các showroom hoặc bán trên mạng. Sau khi được các sở ban ngành tập huấn, hướng dẫn, sản phẩm của Đăng Khoa bắt đầu đưa lên các sàn TMĐT để bán, chi phí thấp nhưng rất hiệu quả”.

Thông qua sàn giao dịch TMĐT, nông sản của tỉnh sẽ tiếp cận với khách hàng tiêu thụ trên khắp cả nước nhanh hơn, trực diện hơn, góp phần lan tỏa quảng bá thương hiệu cho tỉnh. Nhờ đó, nông dân nhanh chóng làm quen với hình thức quảng cáo, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa theo hướng hiện đại hơn.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân; đồng thời, phải tận dụng tối đa cơ hội, điều kiện thuận lợi để đi nhanh, đi trước, không để bị tụt hậu”.

Từ đó cho thấy, công nghệ số thực sự là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Các sàn TMĐT không chỉ đơn thuần là cầu nối giữa sản xuất và người tiêu dùng, mà còn là kênh quảng bá, giới thiệu nông sản của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước theo hướng hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Trong đó, lợi ích lớn nhất mà sàn TMĐT mang lại chính là giúp người nông dân tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh số bán hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Song, để TMĐT có thể đến gần hơn với các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ bản chất, tầm quan trọng, tiếp cận linh hoạt, sáng tạo trên nền tảng số để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, để ứng dụng tốt công nghệ điện tử trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh, đem lại giá trị cao hơn cho người sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế số./.

Hà Khải