Sản lượng lúa thu hoạch đạt 12,63 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến trung tuần tháng 4, cả nước gieo cấy được gần 3.463,7 nghìn ha lúa, thu hoạch đạt 1.847,7 nghìn ha, tăng 2,1% với năng suất bình quân đạt 68,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 12,63 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, về lúa Đông Xuân, cả nước gieo cấy 2.949,7 nghìn ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 1.570 nghìn ha, tăng 3,0% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch ước đạt 71,2 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Sản lượng đã thu hoạch đạt 11,2 triệu tấn, tăng 4,7%.

thu-hoach-lua-1683620024.jpg
Ảnh minh họa.

Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch 1.417,3 nghìn ha, tăng 3,2% với năng suất thu hoạch đạt 72,1 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt khoảng 10,2 triệu tấn, tăng 5,1%.

Ở các tỉnh phía Nam, lúa Hè Thu gieo cấy được 14 nghìn ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng vùng ĐBSCL gieo cấy đạt 508,2 nghìn ha, tăng 2,2%. Diện tích gieo cấy tăng do thời tiết thuận lợi, ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Được biết, giống lúa sử dụng chủ yếu là lúa chất lượng như OM18, OM5481, Đài thơm 8...

Theo thống kê, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so mức bình quân cùng kỳ năm 2022.

Ghi nhận cho thấy, châu Á tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong quý I, đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 52,2% so cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là châu Phi đứng thứ 2 và châu Âu đứng thứ 3.

Hiện, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định, gạo thơm và gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam, và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Tính toán kỹ thời vụ các loại giống cây trồng để có kế hoạch chuyển đổi những diện tích không đủ nước cho việc gieo cấy lúa sang gieo trồng các cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn./.

Ánh Dương (t/h)