Quy hoạch Thủ đô: Sông Hồng được xác định là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm là không gian văn hóa di sản

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng được xác định là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm và Hà Nội. Đồng thời, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm tận dụng và khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có để phát triển ngang tầm với các Thành phố lớn trên thế giới.
quy-hoach-ha-noi-1-1735888796.jpg
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 định hướng sông Hồng là một trong 5 trục phát triển của Thủ đô.(Ảnh minh họa)

Các chuyên gia nhận định, thành phố ven sông - mô hình đô thị được các nước trên thế giới chú trọng phát triển. Một số dòng sông đã trở thành biểu tượng; sông Hudson tại New York (Mỹ); sông Seine tại Paris (Pháp); sông Hàn tại Seoul (Hàn Quốc).

Ở Việt Nam, mô hình thành phố bên sông cũng đã hình thành từ lâu: Đà Nẵng với mô hình thành phố bên sông Hàn; TP.HCM phát triển bên bờ sông Sài Gòn; Huế nằm bên bờ sông Hương. Thời gian đã chứng minh việc phát triển thành phố bên sông là hướng đi đúng đắn khi những đô thị trên đều có sự phát triển vượt bậc. Xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm trong Quy hoạch Thủ đô nhằm khẳng định xu thế tất yếu này.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, quy hoạch thủ đô Hà Nội được thông qua sẽ giúp Thủ đô phát huy tối đa nguồn lực đất đai hai bên sông Hồng để đưa vào khai thác và phát triển. Một số quỹ đất sẽ dành để cải tạo xây mới, tái thiết đô thị. Ngoài việc đưa ra định hướng đối với các khu dân cư, Quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng tại khu vực 6 bãi sông.

Các bãi này được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5%, bao gồm các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

quy-hoach-ha-noi-2-1735888849.jpg
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.(Ảnh minh họa)

PGS.TS Phạm Trọng Thuật, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Hà Nội khác với những đô thị khác ở chỗ sông Hồng đóng vai trò rất quan trọng, chi phối không gian và đánh giá việc chúng ta ứng xử như thế nào với một ưu thế về mặt tự nhiên. Từ trước đến nay, chúng ta chưa ý thức đầy đủ nên chưa khai thác tốt về lợi thế này. Và nếu chúng ta coi sông Hồng như một thực thể, như một món quà của thiên nhiên mà chúng ta biết khai thác nó để đưa nó vào đời sống đô thị thì điều đó sẽ khiến Hà Nội có một đặc thù rất riêng, không có được ở các đô thị khác”.

Nguồn lực đất đai hai bên sông Hồng sẽ được phát huy tối đa giá trị để đưa vào khai thác và phát triển. Một số quỹ đất sẽ dành để cải tạo xây mới, tái thiết đô thị. Ngoài việc đưa ra định hướng đối với các khu dân cư, Quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng tại khu vực 6 bãi sông. Các bãi này được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5%, bao gồm các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: “Dòng sông có công dụng đầu tiên là nuôi sống và đem lại nguồn nước sinh hoạt, thứ hai là phục vụ sản xuất, vì chúng ta biết được đất nước chúng ta là một đất nước nông nghiệp thì nông nghiệp không thể thiếu nước được".

Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết: “Sông Hồng hiện nay chưa được khai thác đúng với tiềm năng của nó. Ví dụ như những khu đất chưa được khai thác một cách hiệu quả, vẫn còn rất nhiều khu đất đang bỏ hoang. Và chúng ta thấy rằng sự tiếp cận của người dân, cả du khách đối với sông Hồng hiện nay là tương đối hạn chế do khoảng cách từ đường giao thông xuống đến sông Hồng. Do đó nếu chúng ta thực hiện các việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng một cách bài bản, hiệu quả thì đây là một tiềm năng rất là lớn”.

Còn rất nhiều việc phải làm để sông Hồng trở thành trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

quy-hoach-ha-noi-3-1735888881.jpg
Còn rất nhiều việc phải làm để sông Hồng trở thành trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. (Ảnh minh họa)

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo ra những thời cơ và động lực mới để Hà Nội phát triển trong ngắn hạn và dài hạn, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được thông qua bao gồm 5 quan điểm phát triển chung, 3 quan điểm về tổ chức không gian với mục tiêu phát triển, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

Để phát huy được giá trị của sông Hồng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tại cuộc làm việc với Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hà Nội cần nhanh chóng khai thác các giá trị của dòng sông với việc triển khai các dự án đầu tư phát triển bên cạnh việc bảo tồn dòng sông lịch sử và mạch nguồn này.

Từ đây tổ chức không gian sống "Nhìn sông, tựa núi” để sông Hồng tiếp tục được định hướng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và phát triển đô thị hài hòa hai bên sông - một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa – Hà Nội nay và Hà Nội của tương lai./.

Bình Châu