Ngày 19/7, tỉnh Bến Tre, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức hội nghị công bố Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200km, tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đạt từ 8,3-8,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng từ 8,5-8,9 tỷ USD. Đến nay, cả nước đã có 92/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp; trong đó mới có 76 cảng cá ở 26 tỉnh, thành được công bố mở rộng theo Luật Thủy sản và Nghị định 26 của Chính phủ, với quy mô 9.298 lượt tàu/ ngày; tổng công suất hàng hóa qua cảng là 1,8 triệu tấn/năm.
Cả nước có 83/146 khu neo đậu tránh bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động với sức chứa khoảng 50.000 tàu cá. Qua đó, bước đầu đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU).
Tuy nhiên so với điều kiện thực tế. hệ thống cảng cá và khu neo đậu tàu cá nước ta còn nhiều mặt hạn chế nhất là quy mô, diện tích, kết cấu hạ tầng, dịch vụ kèm theo… sản lượng cá qua cảng mới chỉ trên dưới 50%.
Nhằm phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của Quốc gia, việc lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT lập quy hoạch này. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 582 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,983 triệu tấn/năm. Đồng thời, có 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá. Đối với trong đất liền, có 141 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,75 triệu tấn/năm và 125 khu neo đậu tránh trú bão đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 73.940 tàu cá. Tại các đảo, có 32 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 233 nghìn tấn/năm và 35 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 16.660 tàu cá.
Cũng theo quy hoạch đến năm 2050, cả nước có 180 cảng cá gồm 39 cảng cá loại 1; 87 cảng cá loại 2, 54 cảng cá loại 3, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 3 triệu tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá. Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu đến năm 2030 là 6.124ha, trong nhu cầu sử dụng đất là 1.050ha.
Trong giai đoạn 2021-2030, có 19 dự án được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá thiết yếu tại các cảng cá loại I, nhất là các cảng tại 5 trung tâm nghề cá lớn, các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, cảng cá và khu neo đậu tại các đảo, cảng cá và khu neo đậu đang đầu tư dở dang đồng thời có vai trò phòng chống IUU, các dự án thu hút vốn ngoài ngân sách.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, quy hoạch là cơ sở quan trọng để hoàn thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, xây dựng những trung tâm nghề cá lớn. Tăng cường công tác quản lý nghề cá, đảm bảo an toàn cho tàu cá ngư dân, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đảm bảo an sinh, an toàn thực phẩm.
Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành Trung ương sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách về lĩnh vực thủy sản để thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng và khu neo đậu tàu cá; trong đó ưu tiên thu hút những nguồn lực xã hội; tiến hành tổng hợp, rà soát, thẩm định kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương và địa phương trình Thủ tướng Chính phủ, theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, các Bộ ngành liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo quá trình thực hiện quy hoạch phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương./.