Quý 3/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lãi hơn 5 tỷ, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.300 tỷ đồng

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình) đã công bố báo cáo tài chính, theo đó công ty ghi nhận lãi sau thuế gần 5,5 tỷ đồng quý 3, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt hơn 6 tỷ đồng, thấp hơn 55% so với quý 3/2021.

Theo báo cáo, về lũy kế 9 tháng, Xây dựng Hoà Bình đạt 10.905 tỷ doanh thu thuần, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái; song lợi nhuận sau thuế giảm 16% xuống mức 61 tỷ đồng; lãi ròng công ty mẹ đạt 63 tỷ đồng, giảm 21%.

Năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu là 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 350 tỷ đồng. Với 61 tỷ lãi sau thuế 3 quý, doanh nghiệp mới đạt 17,4% kế hoạch lợi nhuận.

Tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình tính đến 30/9 đạt 18.683 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tăng mạnh chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn với phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng từ 5.355 tỷ đồng lên 6.164 tỷ đồng, phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng tăng từ 4.735 tỷ đồng lên 5.116 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ là 13.332 tỷ, trong đó nợ vay là 6.566 tỷ, chủ yếu là từ ngân hàng. Nợ vay ngắn hạn là 5.496 tỷ và dài hạn là 1.070 tỷ bao gồm dư nợ trái phiếu 987 tỷ đồng.

hb-1667366053.png
Quý 3, Xây dựng Hòa Bình lãi 5 tỷ, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.300 tỷ đồng. (Nguồn ảnh: bys.vn)

9 tháng đầu năm, tập đoàn vay tổng cộng 8.910 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 7.441 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong ba quý là gần 358 tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn ghi nhận âm 1.331 tỷ 9 tháng đầu năm, cùng kỳ dương 896 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 319 tỷ song dòng tiền từ hoạt động tài chính gần 1.501 tỷ đã giúp lưu chuyển tiền thuần trong kỳ chỉ âm 150 tỷ, cùng kỳ dương 117 tỷ đồng, do tăng mạnh các khoản phải thu.

Trong tháng 10 vừa qua, Xây dựng Hòa Bình đã thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị lên tới 95 tỷ đồng. Mục đích phát hành là để thực hiện chương trình mua tài sản.

Theo thông tin công bố, toàn bộ số cổ phiếu được mua bởi Sanei Architecture Planning Co. Ltd (Sanei) đến từ Nhật Bản. Qua đó, Sanei sở hữu 1,87% vốn tại HBC.

bv-1667365985.jpg
Phối cảnh Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thiết kế và thi công. (Nguồn ảnh: hbcg.vn)

Xây dựng Hòa Bình có trụ sở chính tại số 235 Võ Thị Sáu, phường 7 - quận 3, TP. Hồ Chí Minh, người đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tổng thầu, tổng thầu thiết kế và thi công, thầu chính. Hiện tại doanh nghiệp đã góp mặt tại 47/63 tỉnh thành trong cả nước.

Năm 2021, Tập đoàn Xây Hòa Bình được xếp vị trí số 1 Top 10 Nhà thầu Xây dựng uy tín năm 2020 được thực hiện bởi Vietnam Report.

Các dự án biệt thự, căn hộ chung cư, căn hộ khách sạn nổi bật Xây dựng Hòa Bình đã thi công như: Dự án Sunshine City Hà Nội; Dự án Vinhome Ocean Park (Vincity Gia Lâm); Dự án Sky Oasis Residence; Dự án Shophouse Hạ Long Bay; Dự án Wyndham Soleil Ánh Dương; Dự án Novabeach Cam Ranh; Bà Nà Misuxe; Dự án Grand World Phú Quốc; Dự án Empire City; Dự án Vinhomes Grand Park; Dự án Cobi Tower 1 và Cobi Tower 2.

Công trình Y tế - Văn hóa - Giáo dục: Bệnh viện Phụ sản Nhi Quốc tế Hạnh Phúc; Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm An Giang; Bệnh viện Hoa Lâm; Tòa nhà Giảng đường 2 Trường Đại học RMIT; Trung tâm Thể dục Thể thao và KTX sinh viên Đại học RMIT.

Công trình Công nghiệp: Nhà máy sản xuất Công ty TNHH Want Want Việt Nam; Nhà máy sản xuất Cốp pha Nhôm GS Industry; Nhà máy Giấy bao bì Vina Kraft.

Dự án của Tập đoàn tại nước ngoài: Khu dân cư Le Yuan Residence - Malaysia; Khu phức hợp GEMS - Myanmar; Desa Green.

Khánh Ngân