Quế xuất khẩu vẫn chỉ ở dạng nguyên liệu thô, giá trị thấp

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia, Trung Quốc, nhưng các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là quế thanh, giá trị thấp.
tinh-dau-que-1723-1695975019.jpg
Sản phẩm quế Việt Nam được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng - Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Đây cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 276 triệu USD quế hồi, nhưng so với thị phần dược liệu thế giới, con số này rất nhỏ.

Tại Hội nghị "Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu" mới đây, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái thông tin tỉnh có diện tích 86.000 ha quế, trong đó có 20.000 ha đạt chứng chỉ hữu cơ, thu hoạch gần 30.000 tấn quế/năm, là tỉnh có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước. Mỗi năm, giá trị xuất khẩu quế tại Yên Bái đạt khoảng 5-6 triệu USD.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở tỉnh nhà vẫn chỉ đứng vai trò thu mua, bán lại cho doanh nghiệp chế biến gia vị khác trong nước. Doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp rất hạn chế. Trong năm qua, bà con đã thu gom lá quế, cùng các hợp tác xã nấu tinh dầu quế, sản lượng gần 2.000 tấn tinh dầu quế. Nhưng hàm lượng hoạt chất vẫn thấp nên chủ yếu bán tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh còn có một số loại thảo dược như sơn tra, thảo quả… nhưng cũng chung số phận là bán sang nước láng giềng.

“Thời gian tới, chúng tôi mong có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây dựng nhà máy, chế biến sâu sản phẩm quế cũng như dược liệu Việt Nam, từ đó nâng cao giá trị và xuất khẩu tới nhiều thị trường”, ông Chiến bày tỏ.

Tương tự tại Lai Châu, quy mô quế trên 11.500 ha. Cả tỉnh có 1-2 cơ sở chế biến tinh dầu thô với sản lượng 50-60 tấn. Các dược liệu khác như sâm, thảo quả, đương quy… có trên 10.000 ha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của các dược liệu này cũng chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

“Các dược liệu chủ yếu bán cho thương nhân, các thương nhân xuất khẩu tiểu ngạch dẫn đến đội lên nhiều chi phí trung gian, giá trị người trồng thu về rất thấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu, nói.

Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện Canada nhập khẩu chủ yếu quế, hồi của Việt Nam để sử dụng làm phụ phẩm bánh kẹo, phụ phẩm gia vị, hương liệu cho các loại trà. Quế của Việt Nam đã đến với người tiêu dùng nhờ vào việc gia công cho các thương hiệu riêng của các chuỗi bán lẻ và phân phối lớn, trong đó có Costco, Walmart. 

Để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu, đại diện Thương vụ cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế Cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế Cassia Việt Nam so với quế Ceylon của Nam Á. Hiện nay, một số cửa hàng tại Canada đang bán quế Cassia và đặt tên riêng là Quế Sai gon để phân biệt với quế Ceylon.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chẳng hạn như: mật ong hoa quế trộn bột quế, nến thơm tinh dầu quế, dầu tắm xông quế, trà xanh hương quế…

Đông Nghi