Gia vị và hương liệu Việt có sức hút mạnh với thị trường châu Âu

Đóng vai trò quan trọng trong ngành thực phẩm và đồ uống, gia vị và hương liệu của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới.
gia-vi-au-4889-1695893625.jpg
Châu Âu là thị trường tiềm năng cho ngành hàng gia vị và hương liệu. Ảnh minh họa

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, năm 2021, châu Á là thị trường nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu với 45% thị phần, tiếp theo là châu Âu (28%). Trong đó, hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển.

Đáng chú ý, từ năm 2019 đến năm 2021, thị trường châu Âu tiếp tục tăng nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Nhập khẩu gia vị và hương liệu trong giai đoạn này tăng với tốc độ hàng năm là 9,0%, đạt 1,8 tỷ Eur và chiếm 60% lượng nhập khẩu của châu Âu.

Gia vị và hương liệu đóng vai trò quan trọng làm nguyên liệu cho ngành thực phẩm và đồ uống châu Âu. Tuy nhiên, việc sản xuất gia vị ở châu Âu còn hạn chế. Vì vậy, đối với hầu hết các sản phẩm gia vị, các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển đối mặt với mức độ cạnh tranh thấp trên thị trường châu Âu ở cấp độ sản xuất.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, cơ hội cho các loại gia vị và hương liệu của doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng cung cấp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, giá thành, chứng nhận. Các yếu tố này sẽ xác định thị trường mục tiêu và phân khúc thị trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê nhập khẩu, những loại gia vị và thảo dược có thị phần và hiệu quả tốt nhất ở châu Âu là gừng, hồ tiêu, nghệ, quế, húng tây, nhục đậu khấu.

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu, các loại gia vị ngày càng được kiểm tra về chất gây dị ứng, độc hại và tính xác thực, vì vậy điều quan trọng là phải theo kịp các động lực thị trường này để duy trì vị thế là nhà cung cấp cạnh tranh cho thị trường Châu Âu.

Bên cạnh đó, người mua có thể có các yêu cầu khác về chứng chỉ. Các yêu cầu đối với hương liệu và gia vị ở châu Âu thường là về sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, nhưng tính bền vững cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải chịu sự kiểm soát thực phẩm chính thức. Những biện pháp kiểm soát này bao gồm việc kiểm tra thường xuyên có thể được thực hiện khi nhập khẩu (tại biên giới) hoặc sau đó, khi thực phẩm đã được phân phối lưu thông tại EU, chẳng hạn như tại cơ sở của nhà nhập khẩu. Việc kiểm soát nhằm kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng các yêu cầu hợp pháp hay không.

Thị trường châu Âu cũng được đánh dấu bằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với các loại gia vị có nguồn gốc bền vững, trong đó chứng nhận đóng vai trò quan trọng. Việc đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU sẽ gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp các nước nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tại thị trường này.

Đông Nghi